Thương hiệu

Rầm rộ “đổ bộ” nhưng lặng lẽ rút lui, thị trường ô tô Việt Nam đang phả hơi nóng, các ông lớn nội địa ráo riết lên kế sách ứng phó

Tân An 06/07/2025 12:57

Thị trường ô tô Việt Nam đang nóng hơn bao giờ hết. Hàng loạt các thương hiệu lớn tại quốc gia tỷ dân như BYD, Haval, Lynk & Co,… liên tiếp đổ bộ ở nửa đầu năm. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ 2 năm qua cho thấy không phải hãng nào cũng gặt hái thành công, có hãng đã phải rút lui chỉ sau vài tháng góp mặt.

Thị trường ô tô Việt Nam nửa đầu năm 2025 chứng kiến sự đổ bộ mạnh mẽ của nhiều mẫu xe Trung Quốc như BYD, Geely, Haval, Lynk & Co,... Tình trạng cạnh tranh giá, tính năng và công nghệ đang ngày càng gay gắt, buộc các thương hiệu nội địa phải có chiến lược ứng phó kịp thời.

Xe trung quốc cạnh tranh xe Việt Nam
Thực tế cho thấy, thị trường ô tô Việt Nam không dễ tiếp cận, đã có hãng phải "rút quân" chỉ sau vài tháng góp mặt

Ô tô Trung Quốc tăng tốc thâm nhập thị trường Việt Nam

Trong nửa đầu năm 2025, ít nhất 6 mẫu ô tô từ các thương hiệu Trung Quốc như BYD, Jaecoo, MG, Geely, Haval đã chính thức ra mắt tại thị trường ô tô Việt Nam. Cụ thể:

BYD trình làng mẫu SUV cỡ C mang tên Sealion 6.

MG giới thiệu mẫu MPV cỡ trung G50.

Geely ra mắt 3 mẫu: SUV cỡ B Coolray, SUV cỡ D Monjaro và xe điện EX5 (SUV cỡ C).

Haval ra mắt Jolion (SUV cỡ B).

Đáng chú ý, Lynk & Co – thương hiệu thuộc tập đoàn Geely vừa ra mắt phiên bản giá rẻ Core Plus của mẫu Lynk & Co 06. So với bản Hyper Pro ra mắt giữa năm 2024, Core Plus bị cắt giảm nhiều tính năng như điều hòa hai vùng, lọc không khí, camera 360, và gói an toàn ADAS. Mức giá niêm yết 679 triệu đồng, chỉ thấp hơn 50 triệu đồng so với bản cao nhất, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với các mẫu SUV cỡ B khác trên thị trường như Mitsubishi Xforce, Hyundai Creta hay Kia Seltos.

Sự hiện diện ngày càng đông đảo của các mẫu xe Trung Quốc tại Việt Nam phần lớn nhờ vào chiến lược định giá cạnh tranh, thiết kế hiện đại, công nghệ tiên tiến và nhiều tiện ích đi kèm. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ nhiều mẫu xe vừa ra mắt đã vội vàng giảm giá hàng chục triệu đồng, gây tổn thất cho nhóm khách hàng mua sớm và làm suy giảm niềm tin vào thương hiệu.

Ô tô điện Lynk & Co06 ra mắt
Nhà phân phối Lynk & Co tại Việt Nam vừa giới thiệu thêm phiên bản cho chiếc Lynk & Co 06.

Cuộc đua tiếp tục nóng bỏng nửa cuối năm 2025

Dự báo, thị trường ô tô Việt Nam trong nửa cuối năm 2025 sẽ tiếp tục đón nhận loạt mẫu xe Trung Quốc mới:

Omoda & Jaecoo: Sắp ra mắt Omoda C7 (SUV cỡ C).

Geely: Giới thiệu mẫu Lynk & Co 08 (SUV hạng D, dạng PHEV – hybrid sạc ngoài).

BYD: Đưa về mẫu xe điện Atto 2 (SUV cỡ B) và MPV cỡ lớn M9.

Đặc biệt, TMT Motors – một đối tác phân phối ô tô Trung Quốc lên kế hoạch ra mắt 4 mẫu xe điện mini và MPV trong thời gian tới. Các mẫu như Nano S05 EV, MPV 7 chỗ, Macaron 4 và Bingo 261 thế hệ mới đều nhắm vào phân khúc phổ thông, tăng thêm sức ép cạnh tranh.

Sự đổ bộ dồn dập này cho thấy các hãng xe Trung Quốc đang xem Việt Nam là thị trường tiềm năng giữa lúc ngành công nghiệp ô tô nội địa Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng thừa. Từ năm 2023, Trung Quốc bước vào cuộc chiến giảm giá, biên lợi nhuận mỏng dần khiến nhiều hãng phải tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Việt Nam, với cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu xe cá nhân tăng cao và thị trường ô tô đang phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn.

Tuy nhiên, kinh nghiệm từ 2 năm qua cho thấy không phải hãng nào cũng gặt hái thành công. Nhiều thương hiệu Trung Quốc kỳ vọng lớn nhưng kết quả không như mong đợi. Có hãng đã phải rút lui chỉ sau vài tháng hoạt động. Nguyên nhân chính là niềm tin người tiêu dùng chưa vững, đặc biệt khi xe vừa ra mắt đã giảm giá sâu, khiến khách hàng mua sớm bị thiệt. Điều này tác động tiêu cực tới giá trị xe cũ, làm giảm thanh khoản và giá trị sở hữu lâu dài.

Doanh nghiệp Việt tăng tốc nội địa hóa, củng cố năng lực cạnh tranh

Trước làn sóng “tấn công” mạnh mẽ từ các thương hiệu ô tô Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước như Thaco, VinFast, TC Motor, Toyota Việt Nam... đang ráo riết xây dựng chiến lược đối phó toàn diện. Một trong những giải pháp được ưu tiên là tăng tỷ lệ nội địa hóa, nhằm giảm chi phí sản xuất, gia tăng khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng và nâng cao lợi thế cạnh tranh về giá.

Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast
Theo dự báo, thị trường ô tô Việt Nam trong nửa cuối năm 2025 sẽ tiếp tục đón nhận loạt mẫu xe ô tô mới từ Trung Quốc. Trước thực trạng này, các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước ráo riết xây dựng chiến lược ứng phó toàn diện

Bên cạnh đó, các hãng xe Việt cũng đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt trong lĩnh vực xe điện và hybrid – những dòng xe đang thu hút sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng Việt Nam. Mục tiêu là cho ra đời các mẫu xe vừa túi tiền, phù hợp điều kiện giao thông và thị hiếu nội địa.

Cải thiện chất lượng dịch vụ hậu mãi, mở rộng hệ thống phân phối cũng là hướng đi quyết liệt nhằm giữ chân khách hàng, xây dựng niềm tin dài hạn và tạo ra trải nghiệm sở hữu xe trọn vẹn hơn so với các đối thủ ngoại nhập. Nhiều hãng đã triển khai các chương trình bảo hành dài hạn, bảo dưỡng miễn phí và hỗ trợ tài chính linh hoạt.

Theo nhận định của các chuyên gia ngành ô tô, cuộc chiến thị phần trong thời gian tới không còn là cuộc đua giá đơn thuần, mà sẽ chuyển dần sang cạnh tranh về uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi và giá trị sở hữu lâu dài. Trong bối cảnh đó, xe Trung Quốc tuy có lợi thế về công nghệ và giá bán nhưng vẫn đối mặt với thách thức lớn về niềm tin người tiêu dùng, đặc biệt là sau các đợt giảm giá mạnh tay ngay khi xe vừa ra mắt.

Tân An