Hàng hóa - Giá cả

Giá thép hôm nay 4/7: Thép Hòa Phát điều chỉnh giảm

Thu Thủy 04/07/2025 09:43

Giá thép hôm nay 4/7: Trong nước, Hòa Phát bất ngờ giảm giá thép xây dựng từ đầu tháng 7, trong khi các doanh nghiệp khác tiếp tục giữ giá ổn định.

Thị trường thép thế giới

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/7, thị trường quặng sắt và thép ghi nhận sự hồi phục tích cực. Trên Sàn Thượng Hải (SHFE), giá thép thanh kỳ hạn tháng 7 tăng 1%, tương đương 31 nhân dân tệ, lên mức 3.049 nhân dân tệ/tấn. Trên Sàn Đại Liên, quặng sắt kỳ hạn tháng 7 tăng mạnh 1,7%, tương đương 12 nhân dân tệ, đạt 710,5 nhân dân tệ/tấn. Còn tại Sàn Singapore – SGX, giá quặng sắt cùng kỳ hạn tăng thêm 1,1 USD, lên mức 96,35 USD/tấn.

thép hòa phát
Thép Hòa Phát điều chỉnh giảm

Giá quặng sắt tăng lên mức cao nhất trong hơn một tháng do Trung Quốc phát tín hiệu quyết liệt về việc kiểm soát công suất dư thừa và xử lý cạnh tranh giá thấp trong lĩnh vực công nghiệp nặng. Đây là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giảm thiểu áp lực giảm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2025.

Theo các chuyên gia của ANZ, các biện pháp cắt giảm sản lượng dư thừa này sẽ hỗ trợ đáng kể cho ngành thép Trung Quốc, vốn đang vật lộn với tồn kho lớn và biên lợi nhuận mỏng. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư đã đẩy mạnh mua vào trên thị trường kỳ hạn, đặt kỳ vọng vào chu kỳ phục hồi giá thép.

Ông Atilla Widnell – CEO của Navigate Commodities (Singapore) nhận định: “Giá thép tăng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực tới giá quặng sắt. Dòng tiền đầu cơ đang dịch chuyển rõ rệt vào nhóm hàng hóa kim loại.”

Bên cạnh các yếu tố vĩ mô, thời tiết cực đoan tại Trung Quốc cũng là biến số cần theo dõi. Phó Thủ tướng Trương Quốc Thanh mới đây đã yêu cầu tỉnh Hà Bắc – trung tâm khai thác quặng sắt – tăng cường biện pháp ứng phó với mưa lớn và lũ quét do ảnh hưởng của hiện tượng “mưa mận”.

Ở chiều ngược lại, việc đồng USD mạnh lên khiến hàng hóa định giá bằng đô la – như quặng sắt – trở nên đắt đỏ hơn với người mua toàn cầu, tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh nếu nhu cầu quốc tế không theo kịp kỳ vọng.

Trên thị trường thép cuộn cán nóng (HRC), xu hướng phân hóa tiếp tục hiện rõ. Tại Mỹ, nhờ biện pháp tăng thuế nhập khẩu lên 50% theo Điều 232 từ chính quyền Trump, các nhà sản xuất nội địa như Nucor đã 3 lần tăng giá trong tháng 6. Giá HRC Mỹ hiện ở mức 986,6 USD/tấn xuất xưởng, tăng 1,1% so với cuối tháng 5.

Trái ngược với Mỹ, các thị trường như Trung Quốc và châu Âu tiếp tục ghi nhận giá HRC giảm mạnh. Tại Tây Âu, giá chào bán HRC hiện chỉ còn 575 EUR/tấn, giảm 10,2%. Ở Nam Âu, hàng nhập khẩu được chào ở mức thấp hơn – chỉ 475 EUR/tấn. Trung Quốc cũng giảm 1,6%, xuống 475,5 USD/tấn FOB, do yếu tố sản xuất và xuất khẩu vẫn chưa khởi sắc.

Tổng quan cho thấy, thị trường thép toàn cầu đang chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách nội địa Trung Quốc, các rào cản thương mại Mỹ và sự phân hóa về nhu cầu tiêu dùng giữa các khu vực.

Giá thép trong nước: Hòa Phát bất ngờ điều chỉnh giảm 100 đồng/kg

Trong nước, Tập đoàn Hòa Phát vừa điều chỉnh giảm giá bán thép xây dựng từ ngày 2/7. Cụ thể:

Thép CB240 giảm còn 13.430 đồng/kg

Thép D10 CB300 giảm còn 13.030 đồng/kg

Mức giảm là 100 đồng/kg so với giá niêm yết trước đó, phản ánh sự điều chỉnh linh hoạt trước tín hiệu thị trường nguyên vật liệu và tiêu thụ trong nước đang có dấu hiệu chững lại sau chuỗi phục hồi kéo dài suốt quý II.

Trong khi đó, các doanh nghiệp khác vẫn giữ mức giá ổn định:

Thép Việt Ý: CB240 ở mức 13.530 đồng/kg, CB300 ở 13.230 đồng/kg

Thép Việt Sing: CB240 ở 13.430 đồng/kg, CB300 ở 13.180 đồng/kg

Đây là lần điều chỉnh đầu tiên trong tháng 7, sau một tháng 6 nhiều biến động nhưng giá phần lớn giữ ổn định. Việc Hòa Phát – nhà sản xuất lớn nhất Việt Nam – giảm giá có thể tạo tín hiệu điều chỉnh cho toàn thị trường trong các ngày tới nếu nhu cầu xây dựng tiếp tục chậm lại.

Thu Thủy