Báo cáo - Phân tích

Nhiều nhóm ngành được hưởng lợi gián tiếp từ thỏa thuận thuế bước đầu với Mỹ

Thu Hà 03/07/2025 18:07

Nhiều nhóm ngành được tiếp thêm kỳ vọng khi Việt Nam và Mỹ đạt tiến triển ban đầu trong đàm phán thuế.

Theo báo cáo Triển vọng Thị trường 2H2025 của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tiến trình đàm phán thuế thương mại đối ứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được bước tiến quan trọng, góp phần giải tỏa tâm lý lo ngại trên thị trường tài chính trong nửa đầu năm nay.

đàm phán
VCBS kết luận, dù thỏa thuận hiện tại chưa phải kịch bản tối ưu nhất, nhưng việc giảm bớt áp lực thuế và tạo hành lang đàm phán tiếp theo. Hình minh họa

Sau sắc lệnh áp thuế thương mại đối ứng của Mỹ với mức cao nhất lên tới 46% công bố đầu tháng 4/2025, thị trường Việt Nam từng ghi nhận tâm lý bi quan lan rộng, đặc biệt tại nhóm doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, với ba vòng đàm phán được tổ chức khẩn trương, trong đó có vòng đầu tiên tại Washington và vòng cuối cùng ngay trước thời điểm kết thúc thời gian tạm hoãn áp thuế, hai bên đã thống nhất được cơ chế thuế bước đầu.

Theo thông tin công bố chính thức, Việt Nam sẽ chịu mức thuế 20% cho hàng hóa xuất khẩu trực tiếp và 40% đối với hàng hóa trung chuyển qua nước thứ ba. Đổi lại, Mỹ lần đầu tiên chấp thuận miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa sản xuất tại Mỹ khi xuất khẩu sang Việt Nam, mở ra cơ hội gia tăng trao đổi thương mại song phương.

VCBS đánh giá kết quả này mang tính tích cực ở nhiều khía cạnh:

So với kịch bản áp thuế toàn phần 46%, mức thuế mới tạo dư địa đáng kể để duy trì năng lực cạnh tranh của các ngành xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là dệt may, đồ gỗ và thủy sản.

Thỏa thuận này giúp giảm nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và gián đoạn dòng vốn FDI trong ngắn hạn.

Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán được củng cố, nhờ bớt lo ngại về kịch bản xấu nhất.

Mặc dù vậy, VCBS cũng lưu ý rằng một số định nghĩa về “hàng hóa trung chuyển” và phạm vi miễn thuế cho sản phẩm Mỹ vẫn còn cần được làm rõ. Điều này để ngỏ khả năng các điều khoản sẽ tiếp tục được đàm phán và điều chỉnh linh hoạt trong các vòng tiếp theo.

Về triển vọng, báo cáo của VCBS nhận định thỏa thuận thương mại đối ứng đang tạo ra hai động lực chính cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong đó, duy trì đà phục hồi sản xuất – xuất khẩu, giúp các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm 2025. Các ngành hàng xuất khẩu trọng yếu dự kiến sẽ điều chỉnh chi phí để hấp thụ mức thuế mới nhưng vẫn giữ được thị phần tại thị trường Mỹ.

Bên cạnh đó sẽ gián tiếp hỗ trợ các nhóm ngành tài chính, đặc biệt là ngân hàng, bất động sản và chứng khoán, nhờ tránh nguy cơ gia tăng nợ xấu, duy trì lưu thông vốn và thu hút dòng tiền mới từ khối ngoại.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động và môi trường lãi suất quốc tế đang dần nới lỏng, việc Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ phản ánh sự chủ động và linh hoạt của chính sách đối ngoại thương mại. Đây cũng là yếu tố củng cố kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong các kỳ đánh giá sắp tới.

VCBS kết luận, dù thỏa thuận hiện tại chưa phải kịch bản tối ưu nhất, nhưng việc giảm bớt áp lực thuế và tạo hành lang đàm phán tiếp theo được xem là bước tiến chiến lược, tạo dư địa ổn định vĩ mô và hỗ trợ duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2025. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục theo dõi sát các thông báo chính thức về lộ trình thực thi, đồng thời tận dụng nhịp hồi phục của thị trường để tái cơ cấu danh mục đầu tư, ưu tiên nhóm doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu và kiểm soát chi phí tốt.

Thu Hà