Dự báo giá vàng ngày mai 4/7: Kỳ vọng phá đỉnh vẫn mong manh
Giá vàng hôm nay tiếp tục tăng mạnh trong nước, nhưng triển vọng bứt phá vẫn còn phụ thuộc vào tín hiệu kinh tế Mỹ và chính sách của Fed.
Giá vàng hôm nay
Giá vàng trong nước tiếp tục bứt phá trong phiên giao dịch chiều ngày 3/7, khi vàng miếng SJC đồng loạt tăng thêm 600.000 đồng/lượng, đưa giá bán ra vọt lên mức cao kỷ lục 121,3 triệu đồng/lượng.

Ghi nhận lúc 17h00, giá vàng SJC tại TP.HCM được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 119,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 121,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Không chỉ vàng miếng, giá vàng nhẫn SJC 99,99% cũng ghi nhận mức tăng 500.000 đồng/lượng, giao dịch tại vùng 114,5 – 117 triệu đồng/lượng. Vàng nữ trang SJC loại 99,99% cũng tăng thêm 500.000 đồng, hiện được mua vào ở mức 114,5 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 116,4 triệu đồng/lượng. Các dòng nữ trang có hàm lượng thấp hơn như 99%, 75%, 68% hay 58,3% cũng đồng loạt tăng giá, dao động từ 200.000 – 500.000 đồng/lượng tùy loại.
Hệ thống Bảo Tín Minh Châu trong phiên hôm nay niêm yết vàng miếng SJC ở mức 119,3 – 121,3 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn trơn và các sản phẩm vàng ép vỉ tăng từ 700.000 – 900.000 đồng/lượng so với hôm qua. Trang sức vàng Rồng Thăng Long 999.9 và 99.9 cũng tăng mạnh 900.000 đồng/lượng, hiện giao dịch quanh ngưỡng 115 – 118,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tại PNJ cũng đồng loạt tăng mạnh. Vàng SJC được niêm yết mua vào ở mức 119,3 triệu đồng/lượng và bán ra 121,3 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng ở cả hai chiều. Vàng nữ trang 24K nhẫn trơn và dòng Phúc Lộc Tài, Kim Bảo cũng được điều chỉnh tăng 300.000 – 400.000 đồng/lượng.
Giá vàng thế giới hôm nay niêm yết ở mức 3.351 USD/ounce, giảm 0,17% so với 1 ngày trước.
Dự báo giá vàng
Nhiều tổ chức tài chính quốc tế từng dự báo giá vàng có thể vượt 3.700–3.800 USD/ounce vào cuối năm 2025, tuy nhiên thực tế cho thấy đà tăng của kim loại quý đang đối mặt với nhiều rào cản. Vàng chỉ tăng mạnh trong các phiên đơn lẻ rồi nhanh chóng chững lại, không thể vượt qua vùng kháng cự quanh 3.400 USD/ounce.
Tình hình kinh tế và chính trị toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn, đặc biệt là trước thời hạn ngày 9/7 do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra liên quan đến áp thuế đối ứng lên nhiều đối tác thương mại. Diễn biến này có thể làm leo thang căng thẳng thương mại và tạo lực đẩy cho vàng – tài sản được coi là nơi trú ẩn an toàn.
Tuy nhiên, bất chấp các yếu tố hỗ trợ như xung đột tại Ukraine hay các bất ổn nội bộ ở Mỹ, giới đầu tư vẫn duy trì tâm lý thăm dò. Theo chuyên gia Kelvin Wong (OANDA), giá vàng có xu hướng đi ngang trong vùng 3.320–3.360 USD/ounce trong khi chờ đợi báo cáo thị trường lao động Mỹ được công bố.
Theo dữ liệu từ ADP, khu vực tư nhân tại Mỹ đã mất 33.000 việc làm trong tháng 6/2025 – lần sụt giảm đầu tiên trong hơn hai năm. Dù vậy, số lượng nhân viên bị sa thải vẫn ở mức thấp, giúp thị trường lao động duy trì trạng thái ổn định.
Khảo sát của Reuters dự báo Mỹ có thể tạo thêm 110.000 việc làm trong tháng 6, giảm nhẹ so với con số 139.000 của tháng 5/2025. Những tín hiệu này cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, nhưng chưa đủ yếu để tạo áp lực buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất ngay lập tức.
Giá vàng – vốn không sinh lời – thường tăng mạnh trong môi trường lãi suất thấp và bất ổn kinh tế. Tuy nhiên, khi Fed vẫn duy trì lập trường thận trọng, giới đầu tư có xu hướng chờ đợi thêm tín hiệu rõ ràng hơn trước khi tăng mức độ mua vào.