Nóng: Một "ông lớn" vừa muốn làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, vừa muốn làm đường sắt metro tại TP. HCM
"Ông lớn" này đã đề xuất nghiên cứu đầu tư 2 tuyến đường sắt tại TP.HCM, đồng thời bày tỏ mong muốn tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Nhiều đề xuất đầu tư lớn từ THACO
Tập đoàn Trường Hải (THACO) vừa có đề xuất nghiên cứu đầu tư 2 tuyến đường sắt đô thị trọng điểm tại TP.HCM với tổng vốn dự kiến khoảng 5,4 tỉ USD. Nội dung này được UBND TP.HCM thông tin tại cuộc họp với Tổ công tác đặc biệt rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án hạ tầng quan trọng trên địa bàn.
Theo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được, việc THACO – doanh nghiệp vốn hoạt động chính trong lĩnh vực cơ khí ô tô quan tâm lĩnh vực đường sắt được xem là hướng đi phù hợp với tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Đồng thời, định hướng này cũng nhất quán với quy hoạch và kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống giao thông đô thị của thành phố.

Cụ thể, liên quan đến tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), UBND TP đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng Sở Tài chính, Ban Quản lý Đường sắt đô thị và các đơn vị liên quan làm việc trực tiếp với THACO để hoàn thiện phương án đầu tư. Lãnh đạo UBND TP đặt mục tiêu có báo cáo kết quả trước ngày 30/6/2025, để kịp trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, thống nhất chủ trương khởi công trong năm nay.
Tuyến metro số 2 là tuyến xuyên tâm dài nhất trong quy hoạch đường sắt đô thị TP.HCM, với tổng chiều dài toàn tuyến lên tới 48 km. Dự án này chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (Bến Thành – Tham Lương) đang triển khai bằng vốn đầu tư công. Vốn ban đầu phê duyệt năm 2010 là hơn 26.000 tỉ đồng, đến năm 2019 được điều chỉnh lên gần 47.900 tỉ đồng (hơn 2 tỉ USD).
Đề xuất kết nối Bến Thành – Thủ Thiêm – Long Thành
Cùng với tuyến metro số 2, THACO cũng đề xuất nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt đô thị từ Bến Thành (quận 1) đến Khu đô thị Thủ Thiêm, kéo dài đến sân bay quốc tế Long Thành. Dự án được UBND TP.HCM đánh giá cao vì phù hợp chiến lược phát triển đô thị phía đông thành phố và góp phần kết nối hạ tầng vùng.
Theo phương án thiết kế sơ bộ của Ban Quản lý dự án đường sắt – Bộ Xây dựng, tuyến đường sắt này dài khoảng 42 km, đường đôi, khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, tốc độ thiết kế 120 km/giờ và có 20 ga dọc tuyến. Đây sẽ là tuyến vận chuyển hành khách nội – ngoại ô từ TP.HCM và Đồng Nai, phục vụ trực tiếp nhu cầu đi lại đến sân bay Long Thành trong tương lai. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 3,4 tỉ USD.
Lãnh đạo UBND TP.HCM nhận định, việc tích hợp quy hoạch các đoạn tuyến thành một trục giao thông thống nhất không chỉ tối ưu chi phí, mà còn tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, đồng bộ hạ tầng giao thông và gia tăng kết nối vùng.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, các phương án đang được nghiên cứu để đảm bảo công nghệ hiện đại, chi phí hợp lý, và khung pháp lý rõ ràng. Thành phố cũng lưu ý đây là dự án có ý nghĩa kinh tế – xã hội đặc biệt nên cần ưu tiên tháo gỡ các thủ tục để sớm triển khai.
Đề xuất tham gia đầu tư đường sắt cao tốc Bắc – Nam
Không dừng lại ở các dự án trong TP.HCM, THACO từng gửi đề xuất nghiên cứu và đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 61,35 tỉ USD. Trong đó, THACO cam kết huy động 20% vốn tự có và vốn hợp pháp trong nước, tương đương khoảng 12,27 tỉ USD. 80% còn lại (gần 49,08 tỉ USD) dự kiến vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.

Do quy mô đặc biệt lớn, THACO đề nghị Chính phủ xem xét cơ chế bảo lãnh khoản vay và hỗ trợ lãi suất trong vòng 30 năm. Tuy nhiên, đề xuất này mới ở giai đoạn tham vấn và chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam dự kiến có tổng chiều dài khoảng 1.541 km, tốc độ thiết kế 320 km/giờ, kết nối các trung tâm kinh tế lớn từ Hà Nội đến TP.HCM. Chính phủ xác định đây là công trình trọng điểm quốc gia, song cũng là dự án có yêu cầu huy động nguồn lực đầu tư rất lớn.
Các chuyên gia giao thông đánh giá, việc các doanh nghiệp tư nhân như THACO quan tâm đầu tư đường sắt là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để triển khai thực tế, cần rà soát kỹ năng lực tài chính, phương án kỹ thuật và tính bền vững của dòng vốn dài hạn.