Miền Bắc sắp có “siêu tỉnh tâm linh” sau sáp nhập: Quy tụ chùa lớn nhất Việt Nam, ngôi chùa bên hồ rộng nhất châu Á và đền cổ nghìn năm
Miền Bắc sắp có “siêu tỉnh tâm linh” sau sáp nhập, nơi quy tụ chùa lớn nhất Việt Nam, chùa bên hồ rộng nhất châu Á và những đền cổ nghìn năm tuổi.
Tâm điểm mới của du lịch văn hóa – tâm linh miền Bắc
Theo phương án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 60 của Trung ương, ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình sẽ “về chung một nhà” dưới tên gọi tỉnh Ninh Bình, với trung tâm hành chính đặt tại TP. Ninh Bình. Đây không chỉ là bước thay đổi về địa lý – hành chính, mà còn mở ra cơ hội định vị lại du lịch vùng theo một cách toàn diện.

Cả ba tỉnh đều giàu bản sắc văn hóa, lịch sử và tôn giáo – là những “tài sản mềm” có giá trị đặc biệt để phát triển loại hình du lịch tâm linh, vốn là xu hướng tăng trưởng mạnh tại Việt Nam những năm gần đây. Tỉnh mới sẽ là nơi quy tụ những biểu tượng tâm linh nổi bật như chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, đền Trần cùng nhiều đền chùa, lễ hội lâu đời.
Chùa Bái Đính và Tam Chúc – hai quần thể tâm linh lớn nhất Việt Nam
Chùa Bái Đính (Gia Viễn, Ninh Bình) là một quần thể chùa hoành tráng, gồm cả khu chùa cổ và khu chùa mới xây từ năm 2003, với tổng diện tích lên tới 539ha. Tại đây có nhiều kỷ lục châu Á và Đông Nam Á như tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, hành lang La Hán dài nhất châu Á...
Kiến trúc của chùa Bái Đính là sự kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại, trải dọc sườn núi, giữa thiên nhiên non nước hữu tình, được nhiều Phật tử và du khách trong, ngoài nước ghé thăm dịp đầu năm.

Chùa Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam) có quy mô gần 5.000 ha, với hơn 3.000 ha rừng núi và 1.000 ha hồ nước. Chùa nằm giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, ba mặt núi bao quanh, phía trước là hồ Tam Chúc thơ mộng.
Điểm nhấn đặc biệt là chùa Ngọc, xây bằng đá granit đỏ, điện Quan Âm có tượng nặng 100 tấn và 8.500 bức phù điêu. Trung tâm hội nghị quốc tế nổi trên mặt hồ có sức chứa lên tới 3.500 người – nơi từng tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2019.
Đền Trần và Tràng An – Di sản văn hóa giao thoa cùng thiên nhiên
Đền Trần Nam Định là một trong những di tích có giá trị lịch sử tâm linh đặc biệt. Nằm tại Tức Mặc, quê hương nhà Trần, nơi đây mỗi dịp đầu năm lại thu hút hàng vạn người tới xin ấn khai xuân. Quần thể gồm đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa gắn với truyền thống thờ vua, thờ tướng của dân tộc Việt Nam.

Ngay gần đó là chùa Phổ Minh với tháp Phổ Minh 14 tầng mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Trần. Nam Định còn là nơi quy tụ hệ thống nhà thờ công giáo mang phong cách Gothic nổi bật, như Hưng Nghĩa, Bùi Chu, Kiên Lao...
Tràng An – Tam Cốc – Bích Động (Ninh Bình) là quần thể danh thắng hiếm hoi được UNESCO công nhận là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới. Với hơn 100 hang động xuyên thủy, đền cổ, cảnh quan núi đá vôi ngoạn mục, Tràng An là nơi vừa có giá trị lịch sử vừa là tuyệt tác thiên nhiên sống động.
Tam Cốc – Bích Động rộng hơn 350ha, kết hợp giữa dòng Ngô Đồng uốn lượn, hang động kỳ ảo và kiến trúc chùa chiền cổ kính như chùa Bích Động được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động”.
Một tỉnh – ba vùng di sản, hàng loạt tiềm năng hội tụ
Việc sáp nhập Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình không chỉ là bài toán hành chính mà còn mở ra hướng phát triển du lịch theo vùng, đặc biệt là du lịch văn hóa tâm linh và sinh thái. Với chùa Bái Đính – chùa Tam Chúc – đền Trần – Tràng An – Tam Cốc – Trà Lũ – chùa Keo Hành Thiện… tỉnh mới có thể xây dựng tuyến hành hương kết nối từ sông Hồng đến núi đá vôi, từ đồng bằng đến vùng núi đá đặc sắc.
Các lễ hội truyền thống như lễ hội đền Trần, lễ hội chùa Hương (kết nối từ Hà Nam), lễ hội Tràng An, Phủ Dầy... cũng có thể được đồng bộ và quảng bá mạnh mẽ hơn khi có cùng cơ chế điều phối. Đây sẽ là trung tâm du lịch tâm linh lớn bậc nhất phía Bắc – vừa giàu bản sắc văn hóa, vừa có hạ tầng phát triển, vừa gần Hà Nội, thuận lợi thu hút du khách cả trong và ngoài nước.