Báo cáo - Phân tích

Lãi suất liên ngân hàng xuống mức thấp nhất 13 tháng, hệ thống dồi dào thanh khoản

Nguyễn Đăng 24/05/2025 10:06

Thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục duy trì trạng thái tích cực trong tháng 4 khi lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm về mức thấp nhất hơn một năm qua.

Theo báo cáo cập nhật vĩ mô tháng 5/2025 của Công ty Chứng khoán MB (MBS), lãi suất liên ngân hàng qua đêm trong tháng 4 đã giảm xuống 2,2%, mức thấp nhất trong vòng 13 tháng. Diễn biến này phản ánh tình trạng thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh cầu tín dụng tăng chậm và chính sách tiền tệ vẫn theo hướng hỗ trợ.

tín dụng nh
Diễn biến lãi suất ngân hàng (Nguồn: Báo cáo MBS)

Cùng với đó, lãi suất huy động tiếp tục giảm, đặc biệt ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng bình quân hiện dao động quanh 4,9%, trong khi các kỳ hạn ngắn ghi nhận mức giảm rõ rệt. MBS nhận định mặt bằng lãi suất thấp đang hỗ trợ các ngân hàng duy trì biên lợi nhuận tốt, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến cuối quý I đạt 3,93% so với đầu năm, tương đương cùng kỳ năm trước. Dự báo cả năm 2025, MBS kỳ vọng tín dụng sẽ tăng ở mức 17-18%, được dẫn dắt bởi đà phục hồi trong sản xuất, tiêu dùng và đặc biệt là đầu tư công.

Bên cạnh yếu tố thanh khoản, hai động lực quan trọng khác đang hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng là đầu tư công và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 4 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công đạt 165.600 tỷ đồng, tăng 17,7%, hoàn thành 18,6% kế hoạch năm. FDI giải ngân đạt 6,74 tỷ USD, cao nhất trong vòng 5 năm. MBS cho rằng điều này sẽ giúp các ngân hàng mở rộng hoạt động tín dụng doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, cơ sở hạ tầng và công nghiệp chế biến.

Không chỉ doanh nghiệp, cầu tín dụng từ khối cá nhân cũng đang được cải thiện, nhờ tiêu dùng nội địa và du lịch phục hồi mạnh mẽ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,9%, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 7,7%. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 23,8%, vượt cả mức trước đại dịch. Đây là nền tảng thuận lợi để các ngân hàng đẩy mạnh mảng tài chính tiêu dùng, dịch vụ thanh toán và phát hành thẻ.

Về lạm phát, CPI tháng 4 tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn ngưỡng mục tiêu của Chính phủ (4,5-5%). Giá xăng dầu và chi phí vận tải hạ nhiệt, trong khi giá thực phẩm và dịch vụ cơ bản chỉ tăng nhẹ. Nhờ đó, chính sách tiền tệ có dư địa để tiếp tục giữ mức lãi suất thấp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tín dụng.

Tuy nhiên, MBS cũng chỉ ra một số rủi ro cần theo dõi. Thứ nhất là áp lực tỷ giá, khi USD/VND đã tăng lên 25.994 đồng, do chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ, nhu cầu ngoại tệ tăng và hoạt động mua USD vào dự trữ của Kho bạc Nhà nước. Điều này có thể ảnh hưởng đến chi phí vốn ngoại tệ và tỷ giá cho vay của các ngân hàng thương mại.

Thứ hai là chất lượng tài sản tại một số ngân hàng bắt đầu có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt trong mảng cho vay cá nhân. Một số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu nhóm 2 và nhóm 3 tăng lên trong quý I, tập trung ở phân khúc cho vay mua nhà và tiêu dùng sau thời gian ưu đãi lãi suất kết thúc.

Tổng thể, MBS đánh giá môi trường vĩ mô hiện tại đang tạo nền tảng thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng. Tuy vậy, trong phần còn lại của năm, sự phân hóa về khả năng huy động vốn giá rẻ, kiểm soát nợ xấu và bứt phá từ các động lực mới như số hóa hay tài trợ dự án sẽ là yếu tố then chốt phân loại rõ rệt giữa các nhóm ngân hàng.

Xem chi tiết báo cáo phân tích tại đây

Nguyễn Đăng