Đen đá không đường

Tôi có nửa tỷ, cầm ly cà phê và đứng giữa ngã 3 đường

Cafe Chứng 22/05/2025 14:18

Tôi có trong tay 500 triệu đồng gửi ngân hàng sắp đáo hạn, nhưng chưa biết nên mua vàng, đầu tư chứng khoán hay tiếp tục gửi tiết kiệm...

Tôi vừa tròn 32 tuổi, chưa lập gia đình, làm văn phòng, thu nhập ở mức khá. Ba năm qua, tôi gom góp được một khoản tiết kiệm vừa tròn 500 triệu đồng. Số tiền này tôi đang gửi ngân hàng, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cũng tàm tạm – không cao, nhưng đủ yên tâm.

Đầu tháng 6 tới, khoản tiền ấy sẽ đáo hạn. Ngồi nhìn bảng lãi mới nhận được chưa đầy 13 triệu đồng sau nửa năm, tôi bắt đầu thấy… có gì đó sai sai. Không phải tiếc, mà là băn khoăn: Tiền nằm im thế này có ổn không? Hay mình nên mạnh dạn rót vào kênh nào đó để “sinh lời thực sự”?

ngabaduong1.jpg
Tôi vẫn chưa quyết định cuối cùng sẽ rót tiền vào đâu (Ảnh minh họa)

Nửa tỷ không quá lớn để đầu tư bất động sản, cũng chẳng đủ để tham gia vào các kênh kinh doanh bài bản. Nhưng nếu tiếp tục gửi ngân hàng, tôi lại thấy sốt ruột.

Tôi nghĩ đến vàng – một lựa chọn truyền thống mà trước đây tôi từng lắc đầu. Nhưng thời gian gần đây, khi vàng miếng vọt lên hơn 121 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cũng tăng giá không ngừng, tôi bắt đầu phân vân. Nếu mua 3–4 lượng, lỡ sau này nó còn lên nữa thì sao?

Sáng nay bên ly "đen đá" quen thuộc, dạo quanh các trang báo tài chính, tôi đọc được một bài phân tích từ ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Quản lý gia sản FIDT. Câu chuyện của tôi, hóa ra không riêng gì tôi mà nhiều người trẻ cũng đang loay hoay với chính câu hỏi: Với 500 triệu nên làm gì?

Theo ông Huấn, nếu nhìn ngắn hạn, vàng là tài sản có độ an toàn cao. Tuy nhiên, khi nhìn dài hơn, vàng lại không thực sự vượt trội. Ông nhắc lại giai đoạn năm 2012, giá vàng đạt đỉnh 48 triệu đồng/lượng nhưng sau đó rơi về 36 triệu, và mãi tới năm 2019 mới về lại mốc cũ. Giữ vàng trong 8 năm mà không có lời, đó là cái giá của việc mất chi phí cơ hội, điều mà ông gọi là “khoản lỗ tiềm ẩn đáng kể”.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn năm 2025, vàng vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ: Fed có khả năng hạ lãi suất, lạm phát toàn cầu chưa được kiểm soát, chiến sự và bất ổn địa chính trị vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, nếu chưa từng có vàng trong danh mục, tôi có thể cân nhắc mua một phần nhỏ – nhưng chỉ nên chiếm khoảng 3–5% tài sản đầu tư.

Tôi cũng từng nghĩ đến bất động sản, nhưng với 500 triệu, rõ ràng tôi không đủ lực.

Còn cổ phiếu? Tôi sợ rủi ro.

Nhưng ông Huấn lại cho rằng đây là thời điểm nên “nhìn” vào thị trường, dù chưa vội rót tiền ồ ạt. Ông nói: “Khi thị trường tiêu cực nhất lại là lúc nên chuẩn bị, không phải để mua ngay, nhưng là thời điểm để quan sát và tích lũy dần”.

Điều tôi ấn tượng nhất là cách ông khuyên người có vốn nhỏ như tôi: Chia tiền ra làm nhiều phần. Một phần tiếp tục gửi tiết kiệm, coi như “trụ cột an toàn”. Một phần rải đều vào cổ phiếu, theo dõi trong 1–2 năm. Và nếu chưa từng có vàng, thì mua một chút, không phải để giàu, mà để phòng hờ.

Tôi vẫn chưa quyết định cuối cùng sẽ rót tiền vào đâu. Nhưng ít nhất giờ tôi hiểu: Không có kênh nào hoàn hảo tuyệt đối, chỉ có chiến lược phù hợp với chính mình.

Giữ tiền ở đâu cũng là một dạng đầu tư – đầu tư vào sự tỉnh táo, vào khả năng chờ đợi và chọn đúng lúc.

Với tôi, nửa tỷ là cả một quãng thời gian dài tích cóp, và để quyết định được nơi gửi gắm, có lẽ tôi cần thêm một chút quan sát và cả một chút… can đảm.

Cafe Chứng