Hàng hóa - Giá cả

Giá sầu riêng hôm nay 22/5: Đi ngang nhưng Trung Quốc đang âm thầm “thay đổi cuộc chơi”

Ánh Kim 22/05/2025 3:01

Giá sầu riêng hôm nay 22/5 đi ngang trong khoảng 25.000 – 90.000 đồng/kg. Trung Quốc sắp vận hành nhà máy chế biến sầu riêng hiện đại tại Hải Nam.

Thị trường ổn định, chênh lệch rõ rệt giữa hàng đẹp và hàng xô

Khảo sát từ chogia.vn trong ngày 22/5 cho thấy thị trường sầu riêng tại các vùng trồng trọng điểm trên cả nước tiếp tục duy trì ổn định. Giá giao dịch hiện dao động từ 25.000 – 90.000 đồng/kg tùy loại và chất lượng, không có biến động so với hôm trước.

sau22.jpg
Giá sầu riêng hôm nay 22/5 đi ngang trong khoảng 25.000 – 90.000 đồng/kg

Cụ thể, giá sầu riêng Ri6 mua xô tại các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên vẫn phổ biến trong khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, Ri6 loại đẹp lựa có giá cao gấp gần ba lần, dao động từ 52.000 – 65.000 đồng/kg, tùy từng vùng và độ đồng đều của trái.

Đối với sầu riêng Thái, chênh lệch giữa hàng xô và hàng đẹp cũng rất rõ ràng. Hàng mua xô chỉ từ 32.000 – 50.000 đồng/kg, trong khi sầu riêng Thái loại đẹp ở miền Tây được thu mua với mức cao từ 85.000 – 90.000 đồng/kg – vẫn là mức giá đỉnh trên thị trường hiện nay.

Giá ở miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên thấp hơn đôi chút, dao động 72.000 – 85.000 đồng/kg với sầu riêng Thái đẹp và từ 40.000 – 50.000 đồng/kg với hàng xô. Diễn biến đi ngang trong nhiều ngày cho thấy cung – cầu đang tạm thời cân bằng, chưa có yếu tố thúc đẩy biến động giá mạnh.

Trung Quốc tăng tốc chế biến sầu riêng, đối trọng mới với Thái Lan và Việt Nam

Theo thông tin từ Hainan Daily, Trung Quốc đang hoàn thiện nhà máy chế biến sầu riêng đầu tiên tại đảo Hải Nam. Dự kiến bắt đầu hoạt động từ tháng 6 tới, nhà máy này do Công ty Nông nghiệp Hainan Youqi vận hành – đơn vị hiện quản lý hơn 800 ha chuyên canh sầu riêng với khoảng 210.000 cây, trở thành nhà sản xuất sầu riêng lớn nhất ở Trung Quốc.

Nhà máy có quy mô khoảng 4 ha, chia thành bốn khu chức năng chính gồm: phân loại trái tươi, chế biến, sản xuất trái cây sấy khô và hệ thống kho lạnh. Đặc biệt, nhà máy còn tích hợp cả studio livestream để thúc đẩy bán hàng trực tuyến – xu hướng đang phát triển mạnh tại Trung Quốc.

Giai đoạn đầu, nhà máy sẽ sản xuất các sản phẩm chế biến từ sầu riêng như bánh trung thu, kem, bánh bao và cơm đông lạnh – những sản phẩm được đánh giá có tiềm năng tiêu thụ cao tại thị trường nội địa.

Đáng chú ý, thời điểm nhà máy đi vào hoạt động cũng trùng với vụ thu hoạch cao điểm của sầu riêng tại Hải Nam. Điều này giúp Trung Quốc từng bước hoàn thiện chuỗi cung ứng nội địa, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu – đặc biệt là từ Thái Lan và Việt Nam.

Cơ hội và thách thức cho sầu riêng Việt Nam

Việc Trung Quốc mở rộng sản xuất và chế biến sầu riêng trong nước đặt ra cả cơ hội lẫn thách thức cho sầu riêng Việt Nam. Ở góc độ tích cực, Việt Nam vẫn là nhà cung cấp lớn thứ hai cho thị trường Trung Quốc, chỉ sau Thái Lan. Việc giữ chất lượng, cải thiện logistics và đa dạng hóa sản phẩm chế biến sẽ là yếu tố then chốt để duy trì và mở rộng thị phần.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhà máy chế biến lớn ngay tại Hải Nam cho thấy Trung Quốc đang chủ động hơn trong chiến lược “nội địa hóa” ngành hàng sầu riêng. Nếu nguồn cung trong nước được mở rộng hiệu quả, khả năng cạnh tranh của sầu riêng nhập khẩu – kể cả từ Việt Nam – sẽ chịu áp lực về giá.

Giới phân tích cho rằng, các vùng trồng tại Việt Nam cần nhanh chóng nâng cấp vùng nguyên liệu đạt chuẩn GAP, đầu tư sâu hơn vào bảo quản sau thu hoạch và tham gia chuỗi chế biến nếu muốn giữ vững vị thế trong thị trường Trung Quốc trong trung – dài hạn.

Ánh Kim