Nhịp đập thị trường

Nhóm ngân hàng và công nghệ “đổ dốc”, VN-Index đánh mất mốc 1.300 điểm

Đức Anh 19/05/2025 15:38

VN-Index giảm điểm về 1.296 trong phiên 19/5 do áp lực chốt lời sau chuỗi tăng. Trong đó, VIC tăng trần, VPL giảm sâu, thị trường phân hóa mạnh giữa nhóm bất động sản và ngân hàng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại phiên giao dịch ngày 19/5 trong sắc đỏ nhẹ khi áp lực chốt lời hiện hữu sau chuỗi tăng điểm kéo dài, khiến VN-Index điều chỉnh 5,10 điểm, tương ứng 0,39%, lùi về mốc 1.296,29 điểm. Thanh khoản toàn thị trường vẫn được duy trì ở mức cao với hơn 890 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tổng giá trị giao dịch đạt 21.398 tỷ đồng, cho thấy dòng tiền vẫn vận động tích cực nhưng bắt đầu có dấu hiệu chọn lọc rõ ràng hơn.

Rổ VN30 cũng ghi nhận mức giảm tương đồng khi chỉ số mất 4,69 điểm, tương ứng 0,34%, còn 1.379,75 điểm. Với hơn 377 triệu cổ phiếu được giao dịch, giá trị khớp lệnh tại nhóm này đạt hơn 11.370 tỷ đồng.

vicc.jpg
Diễn biến các chỉ số phiên 19/5

Tác động tích cực nhất đến VN-Index trong phiên hôm nay là cổ phiếu VIC khi tăng trần 7%, đóng cửa tại 85.600 đồng/cổ phiếu và đóng góp tới 5,41 điểm vào chỉ số chung. VHM cũng hỗ trợ nhẹ với mức tăng 1,38%, đóng góp 0,78 điểm, trong khi GEE bứt phá 6,97%, góp thêm 0,49 điểm. VPB và KBC tăng nhẹ lần lượt 0,83% và 3,48%, mang lại ảnh hưởng tích cực nhưng không đủ sức giúp chỉ số giữ được sắc xanh khi áp lực giảm đến từ các trụ lớn khác.

Ở chiều ngược lại, VPL giảm 2,77% khiến VN-Index mất 1,14 điểm, là mã có tác động tiêu cực nhất trong phiên. VCB giảm 0,87%, lấy đi 0,96 điểm, tiếp theo là FPT giảm 2,31%, BID giảm 1,09% và LPB mất tới 3,82%, lần lượt khiến chỉ số VN-Index giảm thêm từ 0,64 đến 0,93 điểm. Sự suy yếu tại các trụ cột ngành tài chính – ngân hàng và công nghệ đã trở thành lực cản lớn khiến thị trường không thể giữ được đà tăng như những phiên trước.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm 1,45 điểm, tương ứng 0,66%, về mức 217,24 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 62 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 944 tỷ đồng. Sự điều chỉnh diễn ra tại nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa trên sàn này khi nhà đầu tư tranh thủ cơ hội để hiện thực hóa lợi nhuận ngắn hạn. Trái ngược với xu hướng chung, chỉ số UPCoM-Index tăng nhẹ 0,21 điểm, tương ứng 0,22%, lên 95,71 điểm nhờ sự tích cực của một số mã vốn hóa nhỏ có câu chuyện riêng và thanh khoản cải thiện.

Bức tranh toàn thị trường cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành, trong đó nổi bật là sự hồi phục mạnh mẽ của nhóm bất động sản với mức tăng 2,33%, trở thành điểm sáng duy nhất trên bảng điện tử, trong khi các nhóm ngành trụ như công nghệ thông tin, ngân hàng, dịch vụ tài chính và dầu khí đều đồng loạt điều chỉnh, tạo áp lực lên chỉ số chung.

Nhóm bất động sản dẫn dắt đà tăng của thị trường với hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn bật mạnh. VIC tăng 7%, đóng góp lớn nhất vào chỉ số VN-Index. VHM tăng 1,38%, VPI tăng 3,06%, KBC tăng 3,48%, PDR tăng 1,21%, KDH tăng 0,87%, QCG tăng 2,18%, VRE tăng 1,02% và VGV gây bất ngờ khi bứt phá 14,64%. Dù một số mã nhỏ như NVL, CRE, IDJ, IDC hay SIP điều chỉnh nhẹ, nhưng đà tăng mạnh ở các mã dẫn dắt đã đủ giúp toàn nhóm giữ vững sắc xanh.

Ngược lại, nhóm công nghệ thông tin giảm sâu 2,2%, trở thành nhóm ngành giảm mạnh nhất phiên. FPT – mã trụ của ngành – giảm 2,31%, kéo theo CMG giảm 2,43% và ELC lùi 2,02%.

Nhóm ngân hàng cũng chịu áp lực bán với mức giảm 0,61%. LPB mất tới 3,82%, STB giảm 2,01%, VIB lùi 1,64%, BID giảm 1,09% và TPB mất 1,1%. Một số mã khác như SHB, MSB, HDB, TCB và VPB chỉ điều chỉnh nhẹ, trong khi CTG và VBB giữ được sắc xanh. Đáng chú ý, VAB vẫn tăng mạnh 5,17% và KLB tăng 2,36%, cho thấy một phần dòng tiền vẫn đang tìm cơ hội ở các mã ngân hàng có vốn hóa vừa, định giá hấp dẫn và câu chuyện tăng trưởng riêng biệt.

Dịch vụ tài chính – nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm mạnh 1,62% khi hàng loạt mã lớn đồng loạt điều chỉnh sau nhịp tăng nóng. VND giảm 2,63%, SSI lùi 1,48%, VCI mất 2,26%, HCM giảm 2,84%, SHS, BVS và ORS cũng giảm sâu. FTS, VIX, TVS, CTS và VDS đều chìm trong sắc đỏ. Dù vậy, vẫn có điểm sáng như AAS tăng 6,82%, VFS tăng 6,36% và BMS tăng 0,85%, phản ánh sự phân hóa trong nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thanh khoản thị trường.

Dầu khí cũng không tránh khỏi xu hướng điều chỉnh khi giảm 1,67%. PLX, BSR, PVD, PVS và OIL đều đồng loạt mất điểm. Đặc biệt, TOS giảm gần 3%, chịu áp lực bán mạnh sau chuỗi phiên tăng. Diễn biến này chủ yếu đến từ sự điều chỉnh của giá dầu thế giới và tâm lý chốt lời ngắn hạn, khi kỳ vọng vào câu chuyện đầu tư trung hạn chưa thực sự rõ ràng.

Nhóm thực phẩm – đồ uống và tài nguyên cơ bản cũng lần lượt giảm 1,09% và 1,47%. Những cổ phiếu vốn thu hút dòng tiền như MCH, DBC, VNM, VHC, HAG hay MSN đều giảm từ 1% đến hơn 4%, phản ánh xu hướng rút tiền khỏi các nhóm ngành phòng thủ để cơ cấu lại danh mục sau đợt hồi phục.

Đức Anh