Tài chính xanh

Từ hóa thạch sang bền vững: BSR thử nghiệm nhiên liệu bay thế hệ mới

Nguyễn Đăng 19/05/2025 12:00

BSR thử nghiệm phối trộn nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) từ nguyên liệu nhập khẩu và đặt mục tiêu hoàn tất thương mại hóa vào quý II năm 2025.

Trong bối cảnh ngành hàng không toàn cầu tìm kiếm các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) đang được xem là một trong những lựa chọn thay thế khả thi cho nhiên liệu truyền thống. Tại Việt Nam, Công ty CP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (HOSE: BSR) đã triển khai bước đầu trong lĩnh vực này thông qua việc thử nghiệm phối trộn SAF tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

giải pháp BSR
Giải pháp chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính của BSR

Theo Báo cáo Phát triển Bền vững 2024, BSR cho biết đơn vị này đang thực hiện phối trộn nhiên liệu hàng không bền vững sử dụng nguyên liệu Neat SAF nhập khẩu. Kế hoạch hoàn tất thử nghiệm và đưa sản phẩm ra thị trường được đặt mục tiêu vào quý II năm 2025.

Bên cạnh hoạt động thử nghiệm SAF, BSR cũng thực hiện một loạt biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Năm 2024, tổng phát thải khí nhà kính của BSR là 1.546.133 tấn CO₂e, giảm so với năm trước.

Trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, các biện pháp được triển khai bao gồm: thu hồi nhiệt từ dòng condensate, giảm tốc độ turbine hơi, thay đổi cấu hình vận hành của lò đốt, chuyển đổi chất hấp thụ khí acid từ DEA sang MDEA và sử dụng khí N₂ thay thế cho gas trong đốt flare.

Ngoài ra, BSR cũng tiếp tục sử dụng dầu tuần hoàn và các nguyên liệu phụ trợ tái chế như slop oil, xúc tác cũ nhằm tối ưu nguyên liệu và giảm chất thải. Trong năm 2024, công ty đã tái sử dụng 74.287 tấn dầu tuần hoàn/slop và 1.853 tấn xúc tác đã sử dụng.

Hoạt động thử nghiệm SAF nằm trong chiến lược nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, bên cạnh các dự án về xăng sinh học, nhiên liệu xanh và hydro. SAF hiện được quốc tế xem là giải pháp khả thi nhằm giảm phát thải cho ngành hàng không trong giai đoạn chưa thể chuyển đổi sang điện khí hóa. Tuy nhiên, việc sản xuất và thương mại hóa SAF vẫn còn phụ thuộc vào chi phí nguyên liệu, công nghệ và khung chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước.

Tại Việt Nam, BSR là một trong số ít doanh nghiệp lọc hóa dầu công bố kế hoạch rõ ràng liên quan đến nhiên liệu hàng không bền vững. Việc triển khai phối trộn SAF từ nguyên liệu nhập khẩu và lên kế hoạch thương mại hóa được ghi nhận là một phần trong lộ trình phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường của doanh nghiệp này.

Nguyễn Đăng