Giá vàng sắp giảm mạnh về còn 80 triệu đồng/lượng?
Mặc dù giá vàng hiện vẫn đang neo ở mức rất cao, thế nhưng khả năng giá vàng sẽ "rơi" trở lại về vùng 85 triệu không phải là không có.
- Giá vàng nhẫn hôm nay 14/5: Chênh lệch leo thang, "xả hàng" nhanh còn kịp?
- Giá vàng ngày càng khó đoán, "lướt sóng" vàng giờ trở thành "canh bạc"
Khảo sát chiều ngày 14/5, giá vàng trong nước đồng loạt giảm tại hầu hết các hệ thống lớn, từ vàng miếng đến vàng nhẫn. Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh giá vàng thế giới đảo chiều giảm mạnh sau khi đạt đỉnh ngắn hạn, giữa lúc căng thẳng thương mại toàn cầu tạm lắng.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý SJC, giá vàng miếng niêm yết ở mức 118 triệu đồng/lượng mua vào và 120 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 500.000 đồng/lượng so với phiên trước. DOJI – một thương hiệu lớn khác – cũng ghi nhận mức giảm tương tự tại cả hai chi nhánh Hà Nội và TP.HCM, với giá giao dịch tương tự SJC.
Riêng Phú Quý ghi nhận mức tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào (lên 111,5 triệu đồng/lượng), trong khi giữ nguyên chiều bán ra ở mức 114 triệu đồng/lượng. Đây là điểm sáng hiếm hoi giữa xu hướng điều chỉnh chung toàn thị trường.
Cùng xu hướng giảm, Bảo Tín Minh Châu và Phú Quý cũng niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 118 – 120 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng mỗi chiều. Công ty PNJ giữ nguyên mức giá 113 triệu đồng/lượng mua vào và 115,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Đối với vàng nhẫn – dòng sản phẩm từng được nhiều nhà đầu tư lựa chọn thay thế vàng miếng – cũng ghi nhận điều chỉnh giảm. Vàng nhẫn SJC loại 1–5 chỉ hiện đang giao dịch quanh mức 112,5 triệu đồng/lượng mua vào và 115 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 500.000 đồng mỗi chiều so với ngày hôm qua. Vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu cũng giảm tương ứng, hiện giao dịch ở mức 115,5 – 118,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng quốc tế trưa nay bất ngờ quay đầu giảm, sau phiên phục hồi mạnh vào hôm qua. Cụ thể, giá giao ngay đang ở mức 3.227,7 USD/ounce mua vào và 3.229,7 USD/ounce bán ra, thấp hơn khoảng 25 USD so với đầu ngày và gần 50 USD so với đỉnh trong tuần.
Việc vàng thế giới giảm sâu khiến mức quy đổi về VND hiện chỉ còn quanh 100,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng trong nước từ 12 đến 19 triệu đồng/lượng tùy loại. Khoảng cách này tiếp tục nới rộng trong bối cảnh vàng nội địa chưa có cơ chế điều chỉnh linh hoạt theo thế giới.
Từ “cơn sốt” 4.000 USD đến nguy cơ rơi về 2.700 USD
Giai đoạn gần đây, nhiều tổ chức tài chính quốc tế từng đưa ra dự báo rằng giá vàng có thể vượt ngưỡng 4.000 USD/ounce – tương đương gần 130 triệu đồng/lượng – nếu các căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang. Sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu Mỹ, cùng với các chính sách thuế quan bất ổn, từng khiến giới đầu tư đổ xô vào vàng như một kênh trú ẩn.
Tuy nhiên, bối cảnh đã thay đổi nhanh chóng. Sau hàng loạt tín hiệu tích cực từ các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung, hai bên đã lần lượt giảm mức thuế nhập khẩu, đưa quan hệ song phương ra khỏi trạng thái “đóng băng”. Sự hạ nhiệt này đã khiến dòng tiền đầu cơ vào vàng dần rút lui, đẩy giá kim loại quý sụt mạnh.
Theo báo cáo mới phát hành của tập đoàn tài chính Mỹ WisdomTree, giá vàng hoàn toàn có thể giảm sâu về mốc 2.700 USD/ounce – tương đương chỉ khoảng hơn 80 triệu đồng/lượng – trong kịch bản các rủi ro địa chính trị và thương mại không còn đe dọa thị trường toàn cầu.
Vàng “đổi vai” từ kênh phòng thủ sang tài sản nhạy cảm
Thực tế cho thấy, giá vàng đang phản ánh rõ nét tâm lý “đảo chiều” của thị trường toàn cầu: từ sợ hãi sang kỳ vọng ổn định. Khi các rủi ro lớn dần được kiểm soát, dòng vốn có xu hướng quay lại các tài sản rủi ro như chứng khoán hoặc bất động sản thay vì vàng.
Dù vẫn là tài sản có giá trị phòng thủ trong dài hạn, nhưng trong ngắn hạn, vàng – đặc biệt là vàng nhẫn – đang trở nên khó lường và không còn là lựa chọn dễ chịu cho nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm. Với mức giá trong nước cao hơn thế giới gần 15–20%, nhà đầu tư cần thận trọng trước khi tham gia bắt đáy hay “lướt sóng”.
>>> Giá vàng bị “ siết ” toàn diện, cửa tăng trở lại gần như bằng không?