Ngân hàng Nhà nước: Chủ đầu tư vẫn vay được vốn dù dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh

Cập nhật: 09:00 | 17/08/2023 Theo dõi KTCK trên

Thắc mắc của HoREA về các dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06 đã được giải quyết thỏa đáng, tạo điều kiện vay tín dụng cho nhiều chủ đầu tư.

Ngân hàng Nhà nước: Chủ đầu tư vẫn vay được vốn dù dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh
Sau đề xuất của HoREA, nhiều chủ đầu tư có thể “tự tin” vay tín dụng

Nhằm giải đáp những yêu cầu của các cá nhân, tổ chức về Thông tư 06, bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có phản hồi trả lời HoREA để xác nhận thông tin chủ đầu tư vẫn được vay đối với tất cả các dự án đủ và chưa đủ điều kiện kinh doanh.

Ngay sau đó, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã thông báo đến Ban chấp hành HoREA, Hội viên và cộng đồng doanh nghiệp về việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước gửi thông tin cho lãnh đạo hiệp hội với câu trả lời thỏa đáng.

Bên cạnh đó, Thống đốc cũng cho biết sẽ cử cán bộ đến trao đổi trực tiếp với ban lãnh đạo của HoREA.

Chủ tịch HoREA cũng thông tin thêm, trước đó Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đã gửi thông tin cho HoREA về việc Ngân hàng Nhà nước đã tiếp thu ý kiến, giao cho Vụ trưởng Vụ Tín dụng kiểm tra lại Thông tư 06 để trích dẫn cho đúng quy định về điều kiện kinh doanh của Luật Kinh doanh bất động sản (nếu cần thiết).

Tháng 6/2023, Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Sau khi Thông tư 06 được ban hành, nhiều tổ chức và hiệp hội bất động sản đã gửi một số đề xuất, yêu cầu sửa đổi liên quan đến nội dung cho vay.

Tháng 7/2023, HoREA gửi kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước và cho rằng thông tư có nội dung chưa phù hợp khi bổ sung thêm 4 trường hợp khách hàng có nhu cầu vốn nhưng không được cho vay tín dụng.

HoREA nhận định, thông tư này nếu không được sửa đổi trước ngày 1/9/2023 sẽ gây một số rào cản, khiến nhiều chủ đầu tư khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng bởi các dự án bất động sản, dự án PPP thì chỉ cần đủ điều kiện pháp lý chứ không phải đủ điều kiện kinh doanh.

Đáng chú ý, các khoản 8, 9, 10 của thông tư sẽ “làm khó” một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư. Do đó, thông tư cần được kiểm tra lại trước khi có hiệu lực thi hành để đảm bảo tính khách quan, hiệu quả.

Hơn nữa, HoREA cũng đề xuất rằng Ngân hàng Nhà nước cần xem xét cho phép tổ chức tín dụng được cho vay để góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh và phải có tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về tín dụng.

Để hạn chế hết mức các rủi ro có thể xảy ra với việc tổ chức tín dụng cho vay theo hợp đồng, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần phải có quy định rõ ràng về trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức theo tình trạng pháp lý trong từng vụ án cụ thể.

HoREA còn đưa ra gợi ý về việc “nới lỏng” các quy định cho vay để bù đắp tài chính đối với các dự án có chi phí phát sinh dưới 36 tháng, thay vì 12 tháng để sát với thực tế dự án đang vướng mắc pháp lý.

Hiệp hội kiến nghị gia hạn 12 tháng đối với quy định các tổ chức tín dụng phải tuân thủ tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn đến tháng 10/2024 thay vì tháng 10/2023 (Thông tư 22).

Ngoài ra, việc xem xét sửa đổi Thông tư 06 cũng tạo điều kiện để thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP về chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Nghị quyết 97/NQ-CP về chuyển sang thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Ngọc Bích