Ngân hàng nào là “át chủ bài” cho các mục tiêu kinh doanh lớn năm 2024?

Cập nhật: 16:28 | 01/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên, hàng loạt ngân hàng đã hé lộ về kế hoạch kinh doanh trong năm 2024. Vậy ngân hàng nào là “át chủ bài” cho các mục tiêu kinh doanh lớn năm 2024?

Ngày 29/3 mới đây, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, HOSE: NAB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Đây là ngân hàng "mở bát" cho mùa Đại hội đồng cổ đông năm nay. Đại hội đã thông qua các tờ trình quan trọng về kế hoạch kinh doanh năm 2024, chia cổ tức.

Ngân hàng nào là “át chủ bài” cho các mục tiêu kinh doanh lớn năm 2024?
Ảnh: Kim Dung

Cụ thể, Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 21% so với 2023.

Quy mô tài sản của ngân hàng này dự kiến đạt 232.000 tỷ đồng trong năm nay và 260.000 tỷ đồng trong năm 2025. Huy động vốn và dư nợ lần lượt đạt 178.000 tỷ đồng và 160.000 tỷ đồng, tăng 9% và 13%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát không quá 3%.

Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024, dự kiến tổ chức vào 8h30 ngày 23/4 tại Phòng họp Dragon Hall - Tầng 12A, Tòa nhà DOJI, số 5 Lê Duẩn, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.

Về kế hoạch kinh doanh, trong năm 2024, Hội đồng quản trị của TPBank đề xuất kế hoạch lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 34,2% so với năm 2023. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn thấp hơn kế hoạch năm 2023 với mục tiêu 8.700 tỷ đồng và thấp hơn mức thực hiện được trong năm 2022 ghi nhận ở mức 7.828 tỷ đồng.

Trong năm 2023, TPBank đạt 12.425 tỷ đồng khoản thu nhập lãi thuần, tăng 9% so với năm 2022. Lãi từ kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư đều tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên do phải dùng đến 3.946 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,1 lần năm trước, do đó lãi sau thuế chỉ còn 4.463 tỷ đồng, giảm gần 29%. Với kết quả này, TPBank chỉ thực hiện được 64% kế hoạch.

Đối với các chỉ tiêu khác,TPBank muốn tổng tài sản trong năm 2024 mở rộng thêm 9,4% so với thời điểm hồi đầu năm, lên mức 390.000 tỷ đồng, trong khi tổng huy động tăng 3,3% lên mức 327.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay và trái phiếu doanh nghiệp dự kiến tăng thêm 15,8%, đạt 252.821 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TPBank đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu sẽ có 15 triệu khách hàng trong năm 2024.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (HOSE: ACB) đã công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 4/4 tới, với kế hoạch lợi nhuận đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.

Năm 2024, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2024 tăng 12%, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 11% đạt 593.779 tỷ đồng. Tăng trưởng cho vay khách hàng là 14% đạt 555.866 tỷ đồng. ACB cho biết, đây là mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thị trường, đồng thời tuân thủ theo mức NHNN giao. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%, con số này cuối năm 2023 là 1,21%.

Về kết quả kinh doanh năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm 2023 đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2022. Qua đó, hoàn thành 100% mục tiêu lợi nhuận được giao tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Đồng thời, tỷ lệ ROE đạt mức gần 25%, lọt nhóm những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất hiện nay.

Đà tăng trưởng lợi nhuận trên chủ yếu đến từ thu nhập ngoài lãi tăng 48% so với năm 2022. Ngoài ra, mảng dịch vụ mua bán ngoại tệ và hoạt động đầu tư cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) tiết lộ, ngân hàng đặt mục tiêu lãi năm nay gần 2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2023, lên hơn 44.000 tỷ đồng.

Tổng tài sản đến cuối năm dự kiến tăng hơn 8%, tăng trưởng tín dụng trên 12%, trong đó huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tín dụng. Nợ xấu dự kiến dưới 1,5%. Từ đầu năm, ngân hàng này được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, cao hơn trung bình ngành (15%).

Về kết quả kinh doanh năm 2023, tổng thu nhập hoạt động năm 2023 không biến động nhiều so với năm trước, ghi nhận 67.724 tỷ đồng. Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 10% so với năm trước, đạt 41.243 tỷ đồng, vẫn vững vàng ngôi vương lợi nhuận ngành. So với mục tiêu lợi nhuận 43.000 tỷ đồng Vietcombank đề ra, ngân hàng này chỉ thực hiện được 96% kế hoạch đã đề ra cho cả năm 2023.

Tính đến thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản ngân hàng chỉ nhích nhẹ 1% so với đầu năm ở mức gần 1,84 triệu tỷ đồng. Nợ xấu của nhà băng này tăng đến 59% so với đầu năm, lên 12.454 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,68% đầu năm lên 0,98%.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, HOSE: MBB) vừa công bố tài liệu trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024. Năm 2024, MBBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 6 - 8%, bằng một nửa so với mức thực hiện của năm 2023 và thấp hơn mục tiêu được công bố tại Hội nghị nhà đầu tư hồi đầu năm. Như vậy, có thể ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng này trong năm 2024 dự kiến đạt từ 27.884 tỷ đồng đến 28.411 tỷ đồng.

Về tín dụng, ngân hàng được dự báo sẽ tăng trưởng từ 15% đến 16% trong năm 2024, tùy thuộc theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 5 năm tới, MB đặt mục tiêu tín dụng trung bình đi lên 15% mỗi năm. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 2%, tỷ lệ an toàn vốn tuân thủ Basel II, ở mức tối thiểu là 9%.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, HOSE: LPB) ngày 28/3 vừa qua cũng đã công bố tài liệu để tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào ngày 17/04 tới.

Trong đó, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2024 đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 35% so với thực hiện năm 2023. Tổng tài sản dự kiến tăng 12% lên mức 427.260 tỷ đồng. Trong đó, tín dụng thị trường 1 và huy động vốn thị trường 1 dự kiến tăng lần lượt 16% và 11%, lên mức 319.140 tỷ đồng và 317,380 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng lưu ý kế hoạch tăng trưởng tín dụng thực tế có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào giới hạn tăng trưởng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024. Năm 2024, OCB lên kế hoạch hoạch kinh doanh đầy tham vọng với mục tiêu lợi nhuận tăng 66% so với kết quả năm 2023, nếu thực hiện được, OCB sẽ mang về khoản lợi nhuận trước thuế 6.885 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, OCB đặt mục tiêu đến cuối năm 2024 tổng tài sản sẽ nâng lên mức 286.562 tỷ đồng, tăng 19% so với thời điểm hồi đầu năm. Tổng huy động vốn thị trường 1 dự kiến đạt 197.346 tỷ đồng và tổng dư nợ thị trường 1 đạt 177.592 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 20%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%. Tỷ lệ ROE và ROA mục tiêu lần lượt đạt 17.11% và 2.06%.

Nhiều ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận đạt tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, các ngân hàng đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng, tuy nhiên mức lợi nhuận nhiều ngân hàng kỳ vọng vẫn ở ...

MBBank đặt mục tiêu lợi nhuận khiêm tốn, chia cổ tức tỷ lệ 20% trong năm 2024

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - HOSE: MBB) vừa công bố tài liệu trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024. Đáng ...

TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận thấp hơn thực hiện năm 2022, không chia cổ tức trong năm 2024

TPBank dự kiến lợi nhuận năm 2024 đạt 7.500 tỷ đồng, tăng hơn 34% so với năm 2023. Tuy nhiên, mục tiêu này thấp hơn ...

Kim Dung

Tin cũ hơn
Xem thêm