Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) thua lỗ hơn trăm tỷ, cổ phiếu MTA duy trì diện cảnh báo

Cập nhật: 11:15 | 06/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Lợi nhuận không đủ bù chi phí, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (UPCoM: MTA) thua lỗ triền miên với khoản lỗ lũy kế hơn 105 tỷ đồng.

Ông Đỗ Văn Tâm, Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa ký Quyết định 315/QĐ-SGDHN về việc duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu MTA của Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh. Lý do, báo cáo tài chính của Công ty bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ 3 năm liên tiếp trở lên.

Quyết định của Sở GDCK Hà Nội về việc duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu MTA của Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh
Quyết định của Sở GDCK Hà Nội về việc duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu MTA của Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh

Theo Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC, cơ sở để tổ chức này đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ là tại thời điểm 31/12/2023, hàng loạt công ty con, công ty liên kết của MTA đều trong tình trạng nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn. AASC nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của những công ty này.

Có thể điểm danh những công ty con, liên kết của Thương mại Hà Tĩnh đang nợ đầm đìa như: Công ty CP Gạch ngói Mitraco (lỗ lũy kế: 56,3 tỷ đồng; tỷ lệ lỗ lũy kế trên vốn góp chủ sở hữu: 281,78%); Công ty CP Vận tải và Xây dựng (Công ty TNHH Thực phẩm chế biến Mitraco (71 tỷ đồng; 236,72%); Công ty CP Chăn nuôi Mitraco (54,3 tỷ đồng; 135,93%); Công ty CP Khoáng sản Mangan (43,3 tỷ đồng; 137,11%); Công ty CP Phát triển Nông lâm Hà Tĩnh (43,4 tỷ đồng; 72,40%)…

Hệ thống công ty con, công ty liên kết làm ăn bết bát như đã nêu, còn việc kinh doanh của công ty mẹ Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh cũng đang rất ảm đạm.

Hoạt động khai thác Titan. Ảnh: Mitraco
Hoạt động khai thác Titan. Ảnh: Mitraco

Năm 2023, doanh thu hợp nhất toàn công ty đạt 1.316,7 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 53,5 tỷ đồng, tuy nhiên các chi phí neo cao đã thổi bay hết khoản lợi nhuận này. Trong đó riêng chi phí quản lý doanh nghiệp đã ở mức 70,4 tỷ đồng, chi phí bán hàng hơn 26,6 tỷ đồng, chi phí lãi vay 16,5 tỷ đồng. Kết quả, Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh bị lỗ 43,8 tỷ đồng, tăng lỗ so với năm 2022. Ở 31/12/2023, khoản lỗ lũy kế của Công ty đã vượt mức 106,8 tỷ đồng.

Quy mô tài sản của MTA ở mức 2.046,9 tỷ đồng tại 31/12/2023, giảm nhẹ so với đầu năm, chủ yếu là giảm tài sản ngắn hạn. Ngược lại, nợ vay đang phình to, xấp xỉ 880 tỷ đồng, với 63% là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu giảm gần 100 tỷ đồng so với đầu năm 2023, về mức 1.167,3 tỷ đồng.

Điểm đáng báo động với MTA nữa đó là dòng tiền kinh doanh trong năm 2023 bị âm đến 50,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn ghi nhận dương 26,8 tỷ đồng. Áp lực về nguồn vốn khiến MTA phải tích cực vay tiền để bù đắp. Trong năm, Công ty vay thêm hơn 500 tỷ đồng, trong khi chỉ trả nợ gốc được 413,3 tỷ đồng.

Công ty CP Chăn nuôi Mitraco - công ty con của MTA đang lỗ lũy kế hơn 54,3 tỷ đồng
Công ty CP Chăn nuôi Mitraco - công ty con của MTA đang lỗ lũy kế hơn 54,3 tỷ đồng

Nhìn vào kết quả kinh doanh 4 năm gần nhất của Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, có thể thấy doanh thu và lợi nhuận gộp vẫn khá ổn định và sáng sủa. Tuy vậy chi phí quản lý doanh nghiệp quá lớn khiến lợi nhuận không thể bù đắp nổi. Cụ thể, khoản phí này trong 4 năm qua lần lượt là: 80,7 tỷ đồng (2020); 84,6 tỷ đồng (2021); 69,1 tỷ đồng (2022) và 70,4 tỷ đồng (2023).

Năm 2023, nhân sự nhận thù lao lớn nhất tại Công ty là ông Lê Viết Thảo, Phó chủ tịch HĐQT, TGĐ, với hơn 486 triệu đồng. Ông Nguyễn Đình Toàn (Chủ tịch HĐQT) với hơn 417,7 triệu đồng, tăng hơn 42 triệu đồng so với thù lao ông Toàn nhận trong năm 2022. Tiếp đến là các nhân sự: Võ Văn Lưu (Thành viên HĐQT, Phó TGĐ: 366,5 triệu đồng); Nguyễn Anh Thắng (Thành viên HĐQT, Phó TĐG: 336,5 triệu đồng); Phùng Văn Tân (Trưởng BKS: 239,3 triệu đồng).

Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh – CTCP được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào ngày 4/3/2014. Trong cơ cấu cổ đông, UBND tỉnh Hà Tĩnh nắm đa số vốn góp tại MTA với hơn 1.072,1 tỷ đồng, chiếm 97,37%.

Trên thị trường chứng khoán, bất chấp kết quả kinh doanh ảm đạm cùng với việc cảnh báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, cổ phiếu MTA lại bất ngờ bứt phá khi tăng cận trần trong những phiên gần đây. Chốt phiên giao dịch 5/4/2024, cổ phiếu của Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh tăng trần lên mức 4.900 đồng/cp với khối lượng giao dịch đạt trên 21 nghìn đơn vị, so với thời điểm đầu năm (3.700 đồng), thị giá mã này đã tăng tới hơn 30%.

Vì sao HNX duy trì diện cảnh báo với PV OIL?

Cổ phiếu OIL vào diện cảnh báo là vì "Báo cáo tài chính năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ...

HOSE giữ nguyên diện cảnh báo với Hoàng Anh Gia Lai (HAG)

Theo thông báo mới nhất từ HOSE, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục nằm trong diện cảnh báo, kiểm toán cũng ...

‘Ngựa quen đường cũ’, Bất động sản Điện lực Miền Trung (LEC) lại ‘quên’ nộp báo cáo tài chính

Trong khi cổ phiếu LEC vẫn đang trong diện cảnh báo do Công ty CP Bất động sản Điện lực Miền Trung từng chậm nộp ...

Cao Thái