Báo lãi quý 4 kỷ lục, cổ phiếu Tập đoàn PAN (PAN) hồi phục với thanh khoản nhảy vọt

Cập nhật: 14:00 | 29/01/2024 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Tập đoàn PAN (HOSE: PAN) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 với mức lãi kỷ lục. Ngay sau thông tin này, giá cổ phiếu PAN đã tăng trở lại kèm thanh khoản nhảy vọt...

Diễn biến phiên chiều 29/1, giá cổ phiếu PAN tăng 0,98% lên mức 21.100 đồng. Trước đó, đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán ngày 28/1, giá cổ phiếu PAN tạm dừng ở mức 29.900 đồng, tương ứng mức tăng 3,47%, kèm theo thanh khoản tăng lên mức hơn 3 triệu đơn vị, đang là phiên cao nhất từ ngày 26/9/2023.

Một trong những lý do khiến cổ phiếu PAN bật mạnh là kết quả kinh doanh tích cực ngoài mong đợi của Ban lãnh đạo doanh nghiệp này.

Báo lãi quý 4 kỷ lục, cổ phiếu Tập đoàn PAN (PAN) hồi phục với thanh khoản nhảy vọt
Cổ phiếu PAN đang giao dịch trong vùng 21.100 đồng/cp.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023 của Công ty Tập đoàn PAN (HSX: PAN) cho thấy doanh thu thuần đạt 4.196 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Biên lợi nhuận gộp đạt 23,8%, cải thiện so với mức 22,9% của quý 4/2022. Sau khi trừ đi các chi phí, PAN lãi sau thuế 363 tỷ đồng quý 4/2023, tăng 54% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) đạt 207 tỷ, tăng 58% so với quý cuối năm 2022.

Luỹ kế hoạt động cả năm 2023, PAN ghi nhận 13.205 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 3,2% song lãi sau thuế tăng 3% lên 819 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng cả năm đạt 408 tỷ, tăng 9% so với năm 2022 và cũng là mức cao kỷ lục của doanh nghiệp. Trong cơ cấu doanh thu năm, mảng gạo đóng gói cũng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận chung khi tận dụng tốt cơ hội giá gạo tăng cao để thúc đẩy biên lợi nhuận. Kết quả, biên lợi nhuận gộp của mảng gạo tăng từ mức 9% lên hơn 15% trong năm 2023.

Năm 2023, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 15.156 tỷ và lợi nhuận ròng 402 tỷ. Với kết quả kinh doanh sau một năm như trên, PAN mới thực hiện 87% chỉ tiêu doanh thu nhưng lại vượt kế hoạch lợi nhuận năm.

Về tình hình tài chính, tính hết ngày 31/12/2023, quy mô tài sản của PAN đạt 20.215 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm do tăng mạnh khoản chứng khoán kinh doanh.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn với 7.051 tỷ đồng cuối quý 4/2023 và chủ yếu nằm ở khoản mục chứng khoán kinh doanh đạt 6.676 tỷ, gấp 3 lần đầu năm, tương đương cuối quý 2 và 3.

Dù không được thuyết minh song theo báo cáo soát xét bán niên 2023, đây là khoản đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng tại các ngân hàng thương mại và hưởng lãi suất từ 5,65% đến 9%/năm. Các chứng chỉ tiền gửi được thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay ngắn hạn của PAN.

Ngoài ra, tập đoàn còn ghi nhận 2.372 tỷ đồng tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng.

Cuối năm 2023, tổng dư nợ vay của PAN là 8.982 tỷ, chiếm 44% tổng nguồn vốn và vượt vốn chủ sở hữu (8.341 tỷ). Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm chủ yếu với 8.379 tỷ đồng, đều là vay ngân hàng còn 600 tỷ là dư nợ trái phiếu.

Năm qua, tập đoàn đã vay tổng cộng 22.294 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 18.513 tỷ. Tổng chi phí lãi vay năm 2023 là 457 tỷ đồng. Song tập đoàn cũng thu về 500 tỷ lãi tiền gửi, trái phiếu và lãi cho vay, gấp 2,4 lần năm 2022.

Triển vọng ngành nông nghiệp đến từ thị trường "tỷ dân"

Trong năm 2023, ngành nông nghiệp Việt Nam được đánh giá là đã “vượt cơn gió ngược”, được mùa, được giá, bội thu ở một số lĩnh vực, đem lại kết quả cao hơn 2022.

Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, mức cao nhất trong nhiều năm gần đây và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao (3%). Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 53 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt kỷ lục 12,07 tỷ USD.

Trong đó, không thể không nhắc đến sự đóng góp vượt trội của mảng rau quả và gạo. Cụ thể, ngành rau quả đạt 5,6 tỷ USD, cấp rưỡi so với kỷ lục thiết lập 2018 là 3,81 tỷ USD; sầu riêng vươn lên trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1 với kim ngạch 2 tỷ USD. Tính đến giữa tháng 12, ngành gạo xuất khẩu 7,9 triệu tấn gạo, trị giá hơn 4,5 tỷ USD; tăng 11% về lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Trong khi kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Mỹ giảm 18% và Nhật Bản giảm 7,4% thì Trung Quốc lại tăng 18% trong năm qua (số liệu lũy kế 11 tháng).

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tăng mạnh nhờ Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký trong năm 2022 giúp nhiều loại nông sản được xuất khẩu chính ngạch và thị trường này (tính đến nay đã có 14 loại nông sản).

Mặc khác, Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, giảm bớt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh giúp quá trình lưu thông hàng hóa nhanh chóng hơn. Đồng thời, lượng nhu cầu tiêu dùng khổng lồ của quốc gia tỷ dân cũng được giải phóng.

Cùng chiều, theo nhận định của Chứng khoán MBS, Trung Quốc sẽ là động lực quan trọng trong năm 2024. Xu hướng tiêu dùng (chi tiêu tiêu dùng chiếm tỷ trọng trong thu nhập khả dụng) của người dân Trung Quốc trong quý 3 là 69,8%, không những tốt hơn cùng kỳ trong thời kỳ dịch bệnh mà còn tốt hơn trước đại dịch. Cầu tiêu dùng phục hồi sẽ hỗ trợ cho một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu như điện thoai, nông sản… Khi đó, nhóm doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc lớn như nông sản, thủy sản sẽ hưởng lợi.

Tập đoàn PAN: Lãi ròng quý IV/2023 tăng hơn 50%, mảng nông dược và bánh kẹo bứt phá

Quý IV/2023, PAN báo lãi trước thuế hơn 424 tỷ đồng. Khấu trừ đi thuế, lợi nhuận còn gần 363 tỷ đồng, tăng 54% so ...

Giá dầu hồi phục, Dragon Capital 'xả" 1 triệu cổ phiếu PVS

Mới đây, Dragon Capital vừa có văn bản về việc bán 1 triệu cổ phiếu PVS của Công ty CP Dịch vụ Dầu khí Việt ...

Nhờ bán "bát trân ngự thiện", Yến sào Khánh Hòa đem về doanh thu gần 6 tỷ đồng một ngày

Tổng giá trị xuất khẩu chính ngạch của Yến sào Khánh Hòa sang Trung Quốc trong năm 2023 đạt 225.000 USD (tương đương 5 tỷ ...

Mộng Diệp