Xuất hiện đối thủ lớn của liên danh Vingroup - Techcombank tại cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Cập nhật: 17:59 | 06/10/2023 Theo dõi KTCK trên

Công ty Hòa Bình của đại gia Đường "bia" tuyên bố sẽ tham gia cuộc đua giành dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP) với liên danh Vingroup - Techcombank.

Xuất hiện đối thủ lớn của liên danh Vingroup - Techcombank tại cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Công ty Hòa Bình.

Mới đây, Công ty TNHH Hòa Bình của đại gia Nguyễn Hữu Đường (hay thường gọi là Đường “bia”) đã khánh thành đoạn đường mẫu cao tốc với cam kết chất lượng vĩnh cửu, chống chịu được động đất cấp 8.

Theo chia sẻ của Chủ tịch Nguyễn Hữu Đường, đây là sự kiện khẳng định năng lực của Hòa Bình trước khi tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Tại sự kiện, đại gia Đường "bia" cho biết với mong muốn được tham gia tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP), Công ty Hòa Bình đã cử đoàn cán bộ cùng chuyên gia Trung Quốc – thuộc Tổng Công ty đường cao tốc Quảng Tây kết hợp với chuyên gia làm đường của Đức, Mỹ tư vấn khảo sát tuyến đường.

Cụ thể, ngày 6/9/2023, đoàn đã đưa ra được bản báo cáo kết quả khảo sát địa chất, địa hình, địa trạng, thủy văn… và đưa ra phương án làm đường cao tốc vĩnh cửu (chịu được động đát cấp 8 và chịu được môi trường ngập úng lên đến 6 tháng mà chất lượng đường không thay đổi).

Ngày 12/9, Công ty Hòa Bình tổ chức thi công đường mẫu theo thiết kế, dựa trên các tham khảo ý kiến của phía chuyên gia Trung Quốc và chuyên gia Đức.

Con đường bao gồm: hai hàng cừ bê tông chắn 2 bên phạm vi con đường dày 60mm và sâu 3m có tác dụng ngăn ngừa được động đất cấp 8 (khu vực triển khai có khả năng xảy ra động đất cấp 5, cấp 6), tuyến cừ còn có tác dụng ngăn nước ngấm vào nền đường gây hư hỏng đường (khu vực có khí hậu mùa khô và mùa mưa, vào mùa mưa thì nguy cơ sói mòn sạt lở cao do lượng mưa lớn và lượng nước từ trên cao đổ xuống).

Từ ngày 25/9 đến 30/9, công ty đã cử một đoàn kỹ sư quay trở lại dự án để nghiên cứu phát triển khu công nghiệp, khu nhà ở xã hội, khu nhà máy nước để hỗ trợ cho hai tỉnh và có bản vẽ quy hoạch diện tích sử dụng đất.

Ngày 5/10, Công ty Hòa Bình khánh thành đoạn đường mẫu cao tốc và tiến hành thử tải (thử tải tĩnh, thử tải động, thử tải nước).

Cũng tại sự kiện, ông Nguyễn Hữu Đường tự tin, với kinh nghiệm thi công các công trình cao tầng, công trình xây dựng cấp I, công trình chống động đất cấp 8 cấp 9 chỉ trong thời gian rất ngắn như dự án Golden Bay Đà Nẵng quy mô 2 tòa tháp căn hộ khách sạn cao 27 tầng, gồm 3 tầng tổ hợp trung tâm thương mại, casino, rạp chiếu phim….

Nếu được tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, Công ty Hòa Bình cam kết là nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm để triển khai dự án với chất lượng tốt nhất, thời gian nhanh nhất và chi phí thấp nhất.

"Chúng tôi đề xuất làm đồng bộ tuyến đường gồm 6 làn đường 32m thay cho việc phân giai đoạn làm 4 làn trước sau đó bổ sung giai đoạn 2 làm thêm 2 làn đường vì về kỹ thuật việc thi công xây dựng đồng bộ sẽ đảm bảo kết cấu đường liền khối, độ bền vững cao hơn, tránh tình trạng đường làm song rồi sau đó lại phải dừng xe đào bới chắp vá để tiếp tục thi công giai đoạn 2.

Về quy hoạch Công ty chúng tôi đề xuất quy hoạch làm các KCN, nhà ở công nhân, dịch vụ vận chuyển… do địa phương quản lý và kêu gọi thu hút các doanh nghiệp về đầu tư xây dựng phát triển kinh tế địa phương.

Mặt khác, đây là tuyến đường huyết mạch nối liền Tây Nguyên với TP HCM với tốc độ phát triển như hiện nay, việc làm 4 tuyến đường sẽ sớm không đảm bảo được độ thông thoáng, tốc độ di chuyển nhanh và an toàn được như mong đợi", ông Đường nói.

Được biết, Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa– Chơn Thành là dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông vận tải.

Tuyến đường dài khoảng 140km, điểm đầu tại khu vực thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, điểm cuối tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, kết nối với điểm đầu của cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa (thuộc dự án đường Hồ Chí Minh) và điểm cuối của đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành.

Tính toán sơ bộ nếu đầu tư đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành ban đầu với 4 làn xe, bề rộng 17m (tương tự quy mô phân kỳ của dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, 2021 - 2025 và một số dự án đường cao tốc khác đang triển khai), vận tốc thiết kế 80 - 100km/h thì tổng mức đầu tư khoảng 23.000 tỉ đồng.

Mới đây, tại Công văn số 7420/VPCP – CN Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan Thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước) chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, đẩy nhanh tiến độ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, hoàn thành báo cáo thẩm định, trình Chính phủ trước ngày 30/9/2023.

Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được triển khai theo phương thức PPP. UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Liên quan đến tuyến cao tốc này, vào đầu tháng 5/2022, liên danh Vingroup - Techcombank đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông và Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thực hiện dự án đầu tư tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức PPP.

Theo đó, liên danh Vingroup – Techcombank đề xuất bỏ chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không được phê duyệt, liên danh này cam kết chịu mọi chi phí liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư công trình.

Đến cuối tháng 5/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chấp thuận giao liên danh Vingroup - Techcombank chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức PPP.

Tháng 10 năm ngoái, liên danh Vingroup - Techcombank khẳng định tổng số vốn dự kiến tối đa mà nhà đầu tư có thể thu xếp tham gia vào dự án là 16.000 tỷ đồng. Đối với số vốn còn lại, liên danh Vingroup – Techcombank đề nghị UBND 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Phước báo cáo Thủ tướng xem xét hỗ trợ bổ sung thêm từ nguồn vốn ngân sách của địa phương hoặc trung ương để đảm bảo tổng mức đầu tư thực hiện dự án.

Liên danh Xây dựng số 1 (CC1) được chỉ định gói thầu hơn 2.000 tỷ đồng

Liên danh với sự góp mặt của Tổng công ty xây dựng số 1 – CTCP (UPCoM: CC1) vừa được chỉ định thực hiện gói ...

Thủ tướng: Tập trung thúc đẩy tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội-Vientiane (Lào)

Chiều 4/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp đồng chí Atsaphangthong Siphandone, Đô trưởng Vientiane (Lào) cùng đoàn đại biểu Thủ đô ...

Hòa Phát (HPG): Sản lượng tháng 9 vụt lên đỉnh nhờ "đại dự án" cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành

Đây là điểm sáng trong bức tranh sản xuất kinh doanh của “ông trùm” ngành thép Hoà Phát (HPG) khi nhu cầu thị trường chưa ...

Tiểu Vy