Từ vụ việc của Silicon Valley Bank: Các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam nên cho phá sản vì nó như những con zombie

SVB và một số ngân hàng tại Việt Nam cùng sở hữu nhiều trái phiếu

PV: Thưa TS. Nguyễn Trí Hiếu, vừa qua Silicon Valley Bank (SVB) tại Mỹ sụp đổ, tuy Việt Nam chưa có những dấu hiệu nguy hiểm nào cho hệ thống ngân hàng, nhưng ông có thể chia sẻ có những điểm nào tương đồng giữa một số ngân hàng yếu kém tại Việt Nam và SVB?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Về nguyên nhân gần nhất dẫn đến sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB-Mỹ) là họ thiếu tiền mặt. Khi Ngân hàng không có đủ tiền để chi trả cho người dân giao dịch, đã dẫn đến hiện tượng “Run on the Bank” – tháo chạy khỏi ngân hàng.

Vào đầu năm 2023, khi SVB muốn bán trái phiếu ra ngoài thì phải chịu lỗ rất lớn – lên đến 40 tỷ USD. Họ phải bán trái phiếu bởi người dân đến rút tiền rất nhiều. SVB là ngân hàng chuyên về doanh nghiệp khởi nghiệp – trong đó có rất nhiều doanh nghiệp kỹ thuật số mà nền kinh tế của Mỹ đi vào giai đoạn khó khăn từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay. Những doanh nghiệp đó đã rút tiền ra để hoạt động, từ đó tạo ra tình trạng thiếu tiền mặt, phải bán trái phiếu lỗ vốn của SVB. Theo đó, khủng hoảng dần xuất hiện: khách hàng cũng như giới đầu tư nhận ra mức độ an toàn vốn của Ngân hàng này suy giảm một cách nhanh chóng và đi vào vùng âm.

Sự tương đồng rất lớn giữa các Ngân hàng lớn bị sụp đổ ở Mỹ với một số ngân hàng tại Việt Nam là cùng nắm số lượng trái phiếu rất lớn, ước lượng lên đến gần 300.000 tỷ đồng. Nếu những trái phiếu đến hạn trả nợ mà không trả được (tức là vỡ nợ), nó sẽ ảnh hưởng đến hệ số K của Ngân hàng, giảm từ 12% xuống dưới 10%.

Điểm tương đồng thứ 2, Ngân hàng SVB chuyên về doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp về kĩ thuật số - độ tập trung của Ngân hàng này rất lớn. Tại Việt Nam, ngân hàng không tập trung vào lĩnh vực các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp về kỹ thuật số, họ tập trung rất lớn vào các doanh nghiệp Bất động sản. Điều đó cho thấy, hai bên có sự tương đồng về mức độ tập trung.

Tuy nhiên cũng có điểm khác biệt, trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng Mỹ là do lãi suất tăng làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán. Còn tại Việt Nam, giá chứng khoán không bị đẩy xuống, tuy nhiên khả năng vỡ nợ của các doanh nghiệp rất lớn (đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản) thành ra điểm tạo ra khủng hoảng của hai bên sẽ khác nhau.

Nên cho ngân hàng yếu kém phá sản

PV: Như ông chia sẻ, có một số điểm tương đồng trong các ngân hàng yếu kém giữa Việt Nam và Mỹ. Vậy những ngân hàng yếu kém ở Việt Nam có nên cho phá sản?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Không chỉ bây giờ tại Việt Nam vừa xảy ra vụ việc Ngân hàng Sài Gòn (SCB) khủng hoảng, mà trước đó hàng chục năm, hệ thống ngân hàng cũng đã chứng kiến sự yếu kém của 3 ngân hàng tư nhân đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua lại 0 đồng.

Tôi luôn có đề xuất được cho phép phá sản các ngân hàng yếu kém và tại thời điểm này điều đó lại càng cấp thiết hơn. Lý do để vị chuyên gia này đưa ra bởi vì:

Thứ nhất, Ngân hàng nước đã mua lại 3 ngân hàng 0 đồng cách đây mấy năm nhưng cho đến nay lại hoạt động không hiệu quả. Những ngân hàng này quả thực rất yếu kém, NHNN “nuôi” những ngân hàng này rất nhiều năm và còn đang tiếp tục “nuôi”.

Tôi gọi những ngân hàng này là những con zombie, những xác ướp của hệ thống ngân hàng! NHNN không thế gánh cái gánh nặng này mãi được.

Việc NHNN mua lại những ngân hàng yếu kém này là đi ngược lại với thị trường. Trên thực tế, các NHTW trên thế giới không có những doanh nghiệp con hoạt động trên thương trường. NHNN Việt Nam là ngân hàng của Trung ương, ngân hàng của chính sách, đồng thời là người quản lý cao cấp nhất, đưa ra chính sách và để ngân hàng thương mại thực hiện.

Tuy nhiên, NHNN hiện lại nuôi công ty con và để nó nhảy vào thương trường cạnh tranh với các công ty thương mại khác, điều này đi ngược lại với quy tắc của 1 ngân hàng trung ương độc lập. Bên cạnh đó, còn đi ngược lại với kinh tế thị trường bởi NHNN tạo ra những lợi thế cho các công ty con, làm mất đi tính cạnh tranh của nền kinh tế thị trường. Đây là thời điểm để NHNN điều chỉnh để trở thành một Ngân hàng trung ương độc lập.

Thứ hai, đây là thời điểm Chính phủ suy nghĩ một cách cặn kẽ về vấn đề để cho các ngân hàng phá sản. Bài học của Mỹ là Chính phủ không can thiệp vào việc ngăn cản Ngân hàng phá sản, thay vào đó Chính phủ đang tìm cách bảo vệ người gửi tiền. Việt Nam thì ngược lại, chúng ta bảo vệ ngân hàng khỏi sự sụp đổ. Thành ra, đây là thời điểm suy xét để ngân hàng phá sản.

Dĩ nhiên, phá sản không phải là thực hiện thanh lí tài sản bảo đảm ngay lập tức. Ở Mỹ cũng vậy, với trường hợp SVB thì khi FDIC tham gia, họ không ngay lập tức thanh lý tài sản để lấy tiền mà tổ chức này mở cửa lại ngân hàng dưới quyền kiểm soát của chính mình.

Tương tự tại Việt Nam, những ngân hàng kia không bắt buộc phải phá sản ngay, mà đưa họ vào quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, tái cơ cấu dưới Luật Phá sản là phải ra tòa, bởi khi nằm dưới quyền kiểm soát của NHNN thì NHNN không có chức năng để cho những ngân hàng này phá sản. Tòa án sẽ phải mở thủ tục phá sản.

Về vấn đề trước khi thanh lý tài sản, các ngân hàng này sẽ được đưa vào một giai đoạn tái cơ cấu. Trong giai đoạn đó, chúng ta sẽ xem xét ngân hàng có tái cơ cấu được hay không, bán được cho bên ngân hàng khác được hay không. Nếu không tái cơ cấu hay bán được, ngân hàng sẽ đến giai đoạn phá sản – thanh lý tài sản. Tất cả những giai đoạn kết án và xử lý này sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của tòa án.

PV: Trong thủ tục phá sản bán ngân hàng, trường hợp các ngân hàng 0 đồng này không bán được cho bất cứ NHTM nào thì giải pháp ở đây là gì?

TS. Nguyễn Trí Hiếu:Giải pháp là phải trả tiền cho tất cả những người đã gửi tiền tại ngân hàng đó và công ty bảo hiểm tiền gửi quốc gia phải bồi thường cho mỗi người, mỗi tài khoản tối đa là 75 triệu đồng. Những người nào gửi tiền trên 75 triệu đồng thì phải chờ để cơ quan chức năng thanh lý tất cả tài sản của ngân hàng, bán bất động sản, bán chứng khoán rồi bán tất cả những món nợ của khách hàng, sau đó dùng số tiền đó trả cho chủ nợ theo thứ tự ưu tiên: thuế cho Chính phủ, người lao động, chủ nợ có thế chấp, chủ nợ không có thế chấp, cổ đông… Tuy nhiên, tôi mong rằng sẽ không có ngân hàng nào bị rơi vào trường hợp này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Dương Trang