TP. HCM: Nhiều doanh nghiệp địa ốc "hoang mang" vì hệ số K

Cập nhật: 15:56 | 06/08/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Sau nhiều tháng trì hoãn, UBND TP. HCM đã có quyết định chính thức về việc quy định hệ số K - hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn với 3 nhóm và 5 khu vực cụ thể...

Theo quyết định, hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) được áp dụng tùy theo từng nhóm đối tượng và tùy theo từng khu vực địa bàn quận, huyện và các yếu tố làm tăng, giảm giá đất như sau:

Nhóm 1: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất không phải đất ở sang đất ở đối với diện tích đất ở vượt hạn mức, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 30 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ: Hệ số điều chỉnh giá đất là 1,5 lần giá đất do UBND thành phố quy định và công bố.

nhieu doanh nghiep dia oc hoang mang vi he so k
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Nhóm 2: Trường hợp xác định đơn giá thuê đất hàng năm cho chu kỳ ổn định đầu tiên; xác định đơn giá thuê đất hàng năm khi điều chỉnh lại đơn giá thuê đất cho chu kỳ ổn định tiếp theo; xác định giá khởi điểm trong đấu giá quyền sử dụng đất để cho thuê theo hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; xác định đơn giá thuê đất khi nhận chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê theo quy định tại Khoản 3 Điều 189 Luật Đất đai. Thì Hệ số điều chỉnh giá đất được áp dụng tùy theo mục đích sử dụng đất và khu vực như sau:

Với mục đích sử dụng là kinh doanh dịch vụ, thương mại; tài chính; nhà hàng; khách sạn; nhà ở cho thuê; văn phòng làm việc và cho thuê thì hệ số điều chỉnh giá đất: Khu vực 1 là 2,5 lần; khu vực 2 là 2,3 lần; khu vực 3 là 2,1 lần; khu vực 4 là 1,9 lần; khu vực 5 là 1,7 lần.

Với mục đích sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp; nhà kho, nhà xưởng; hoạt động khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất xây dựng siêu thị, cửa hàng thương mại - dịch vụ bán hàng bình ổn giá; cửa hàng xăng dầu; đất xây dựng bệnh viện, phòng khám đa khoa; trường học; xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê tại các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất; nhà lưu trú công nhân; bến cảng, bến tàu, bến xe, nhà ga, sân bay, đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không sân bay; trạm trung chuyển rác; sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối thì hệ số điều chỉnh giá đất: Khu vực 1 là 1,7 lần; khu vực 2 là 1,6 lần; khu vực 3 là 1,55 lần; khu vực 4 là 1,5 lần; khu vực 5 là 1,5 lần.

Nhóm 3: Trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất không thông qua hình thức đấu giá; xác định đơn giá thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá; xác định đơn giá thuê đất khi chuyển từ thuê đất trả tiền hằng năm sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định tại khoản 2 Điều 172 Luật Đất đai... Hệ số điều chỉnh giá đất được áp dụng theo khu vực 1 hệ số là 2,5 lần; khu vực 2 hệ số là 2,3 lần; khu vực 3 hệ số là 2,1 lần; khu vực 4 hệ số là 1,9 lần; khu vực 5 hệ số là 1,7 lần.

Các khu vực được xác định như sau:

Khu vực 1 gồm: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 10, Quận 11, quận Tân Bình và quận Phú Nhuận

Khu vực 2 gồm: Quận 2, Quận 6, Quận 7, quận Gò vấp, quận Bình Thạnh, quận Tân Phú

Khu vực 3 gồm: Quận 8, Quận 9, Quận 12, quận Bình Tân, quận Thủ Đức

Khu vực 4 gồm: Huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn

Khu vực 5 là huyện Cần Giờ.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/8/2019 thay thế Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 15/3/2018.

Được biết từ tháng 2/2019, UBND TP. HCM đã có Tờ trình (số 585/TTr-UBND) gửi HĐND TP. HCM về việc ban hành quy định hệ số K năm 2019 trên địa bàn, với mức đề xuất tăng khá cao, từ 19 - 30,7% so với năm 2018.

Cụ thể UBND TP. HCM đã đề xuất tăng hệ số K áp dụng trong năm 2019 so với năm 2018. Trong đó hệ số K tại khu vực 1 dự kiến tăng 19%, khu vực 2 dự kiến tăng 21%, khu vực 3 dự kiến tăng 23,5%, khu vực 4 dự kiến tăng 26,6% và khu vực 5 dự kiến tăng đến 30,7%.

UBND TP. HCM cho rằng hiện giá đất để tính bồi thường hỗ trợ tái định cư cao gấp 4,75 lần bảng giá đất năm 2018 mà thành phố quy định. Riêng giá chuyển nhượng theo kê khai để đóng lệ phí trước bạ từ các hợp đồng chuyển nhượng của người dân cao hơn 3 lần so với bảng giá đất. Giá đất chuyển nhượng trên thị trường hiện cao hơn từ 4 đến 6 lần so với bảng giá đất. Đây là các căn cứ quan trọng để UBND TP. HCM xem xét, quyết định trình HĐND thành phố tăng hệ số K so với năm 2018.

Dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng với mức tăng hệ số như trên là cao, đến mức hàng loạt tờ báo đã đưa tin về việc này.

Đến đầu tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP. HCM chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài chính có đề xuất hợp lý, bảo đảm theo quy định của pháp luật, không gây xáo trộn tâm lý người dân, doanh nghiệp khi điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019.

Gánh nặng về thuế cho doanh nghiệp?

Ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch HoREA) cho rằng, việc tăng hệ số điều chỉnh giá đất TP Hồ Chí Minh lên quá cao là vấn đề nhạy cảm, cần được xem xét thấu đáo nhằm đảm bảo ổn định an sinh xã hội về nhà ở. Bởi lẽ quyết định vội vàng có thể dẫn đến tình trạng nợ tiền sử dụng đất gia tăng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tổng số nợ ngân sách Nhà nước về đất năm 2018 tăng 38,2% (mức rất cao) so với tổng số nợ năm 2017 cũng là hiện tượng cần được nghiên cứu, giải mã để có chính sách phù hợp.

“Theo tôi nên tiếp tục áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 tương đương cách tính năm 2018 theo Quyết định 09 của UBND TP. HCM”, ông Châu đề nghị.

Lãnh đạo của 1 doanh nghiệp bất động sản tại TP. HCM cũng cho biết, việc hệ số K tăng quá cao sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp cũng như người dân khi có nhu cầu mua nhà đất.

Với những dự án đã bán cho khách hàng nhưng vẫn chưa đóng tiền sử dụng đất cho Nhà nước, việc tăng hệ số K đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải trả thêm 1 số tiền rất lớn. Số tiền này, doanh nghiệp phải tự chịu, bởi không thể truy thu ngược lại khách hàng.

Còn với những dự án sắp triển khai trong thời gian tới, việc tăng hệ số K cũng sẽ làm đảo lộn hết kế hoạch tài chính của doanh nghiệp.

“Chẳng hạn, khi chúng tôi triển khai 1 dự án, số tiền dự trù cho đóng tiền sử dụng đất là 100 tỷ, nhưng nay hệ số K thay đổi, con số này sẽ lên thành 120 hay 130 tỷ. Điều này, bắt buộc công ty phải thực hiện lại những thủ tục về vốn vay, suất đầu tư… Đồng thời, giá bán sản phẩm cũng phải có sự điều chỉnh để phù hợp với quy định mới. Như vậy, trong trường hợp này, thiệt hại không chỉ nằm ở doanh nghiệp, mà còn cả của người mua nhà, khi thị trường đã thiết lập nên một mặt bằng giá mới, cao hơn”, vị này nói.

Chính vì vậy, vị này cho rằng, thành phố cần xem xét kỹ trước khi phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất. Bởi đến thời điểm hiện tại, giá bất động sản đã có dấu hiệu quá “nóng”, vượt quá mức thu nhập bình quân của người dân. Nếu còn tiếp tục tăng, những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình gần như không có cơ hội mua nhà.

Minh Thuận