Trong tháng tới, Live Nation Entertainment, công ty mẹ của nhà phân phối tai tiếng Ticketmaster, sẽ phải đối mặt với vụ kiện thế kỷ từ bộ Tư pháp nước này với những cáo buộc liên quan đến độc quyền thị trường.

Trong quá trình chuẩn bị, các cáo buộc nhắm đến nhà thầu sự kiện này đã tận dụng sự thống trị của mình theo cách làm suy yếu sự cạnh tranh để độc quyền bán vé các sự kiện trực tiếp.

Năm 2010, Chính phủ liên bang Mỹ đã nhiều lần có động thái ngăn chặn sự sáp nhập Ticketmaster vào Live Nation vì lo ngại thế độc quyền sẽ giúp công ty thâu tóm các địa điểm tổ chức trực tiếp và trực tuyến, lũng đoạn thị trường.

Thông tin từ CNBC chỉ ra rằng 87% tour diễn trên Top 40 Tour của Billboard nằm trong tay Ticketmaster; tới mức một đối thủ cạnh tranh là Jam Productions cho rằng Ticketmaster ngăn cản, không để nghệ sĩ cho đối thủ của Ticketmaster đứng ra tổ chức lưu diễn.

CEO của Seat Geek cho biết Ticketmaster sử dụng các thỏa thuận độc quyền với địa điểm tổ chức, kéo dài có khi tận 10 năm và kèm những khoản bồi thường triệu USD.

Công ty này cũng bị cáo buộc đã đẩy mức giá vé lên cao với nhiều khoản phí không rõ ràng và gặp nhiều vấn đề trong khâu bán vé các tour diễn của các nghệ sĩ đình đám.

Sự phẫn nộ của người tiêu dùng lên cao nhất trong sự cố sập trang web, hết vé sớm ở đợt đặt trước vé xem chuyến lưu diễn Eras Tour của ca sĩ Taylor Swift năm 2023.

Ticketmaster bị kiện, Eras Tour 2025 liệu có trở thành 'cuộc chiến săn vé'?
Người hâm mộ phẫn nộ do không mua được vé Eras Tour từ Ticketmaster

Ngày 15/11 năm ngoái, lượng người truy cập quá lớn để mua vé trên Ticketmaster đã làm trang web bị sập trong nhiều giờ. Điều đáng nói, vé ngày 15/11 là lượng vé trước mở bán chính thức, chỉ dành cho những người đã đăng ký làm thành viên của trang web. Vé chính thức bán rộng rãi cho công chúng được ấn định vào ngày 18/11 nhưng phía Ticketmaster thông báo hủy các lịch bán vé trực tuyến do nhu cầu quá cao khiến hệ thống bán vé và lượng vé còn lại không đủ đáp ứng.

Kể từ đó, công ty thậm chí bị người hâm mộ biểu tình, dọa kiện tập thể và kêu gọi giải thể. Giá vé cắt cổ, dịch vụ khách hàng tồi tệ, hệ thống CNTT thiếu chuyên nghiệp và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh là những điều thúc đẩy các cơ quan quản lý thị trường vào cuộc.

Vụ kiện mới của Bộ Tư pháp Mỹ nhắm vào thỏa thuận mua bán sáp nhập (M&A) Live Nation đã thỏa thuận với bộ Tư pháp từ năm 2010 về việc sáp nhập Ticketmaster. Các điều kiện giải quyết được cho là sẽ hết hạn sau một thập kỷ. Nhưng vào năm 2019, các cơ quan thực thi chống độc quyền đã gia hạn thỏa thuận đến năm 2025. Ngay sau đó, Live Nation đã vi phạm hiệp ước ban đầu bằng cách ép các nhà thầu địa điểm lưu diễn phải sử dụng hệ thống bán vé của công ty con Ticketmaster, phần nào gây nên sự cố Eras Tour.

Ticketmaster bị kiện, Eras Tour 2025 liệu có trở thành 'cuộc chiến săn vé'?
Website của Ticketmaster sập chỉ vài giờ sau khi mở bán vé Eras Tour 2023-2024

Thỏa thuận sau đó được sửa đổi, thêm vào điều khoản ngăn Live Nation tiếp tục hành vi cạnh tranh và thao túng thị trường và công ty này phải chịu phí phạt 1 triệu USD cho mỗi lần vi phạm điều khoản đó.

Đại diện công ty luật Kirkland & Ellis, bên thứ 3 được ủy thác giám sát tuân thủ thỏa thuận của Live Nation nhận định rằng đây sẽ là một cuộc điều tra sâu rộng có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều bên và có thể làm thay đổi cách vận hành của ngành công nghiệp âm nhạc “theo chiều hướng công bằng hơn”.