Thêm một cổ đông lớn của Xây dựng Điện Việt Nam "dứt áo ra đi"

Cập nhật: 10:30 | 05/12/2023 Theo dõi KTCK trên

Ông Trần Quang Cần, người mới đây vừa có đơn xin từ nhiệm chức vụ Phó chủ tịch HĐQT, đã thoái sạch vốn tại Xây dựng Điện Việt Nam.

Thêm một cổ đông lớn của Xây dựng Điện Việt Nam
Các cổ đông lớn của Xây dựng Điện Việt Nam đang "lũ lượt" rời đi

Mới đây, ông Trần Quang Cần, Thành viên HĐQT Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam (HOSE: VNE) đã có báo cáo về việc hoàn tất bán ra toàn bộ 5,86 triệu cổ phiếu VNE đang nắm giữ, tương đương 7,15% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Giao dịch được thực hiện từ ngày 1/11 đến ngày 30/11/2023, theo hình thức thoả thuận và khớp lệnh.

Với việc giảm tỷ lệ sở hữu về 0%, ông Cần đã chính thức rời ghế cổ đông lớn tại Xây dựng Điện Việt Nam.

Trước khi thoái vốn, ông Trần Quang Cần đã từ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT và được HĐQT Xây dựng Điện Việt Nam thông qua kể từ ngày 19/11.

Trước đó nữa, trong tháng 10, ông Cần đã hai lần bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 1,2 triệu cổ phiếu. Lần thứ nhất là vào ngày 17/10 với khối lượng 391.500 đơn vị. Lần thứ hai là vào ngày 25/10, với khối lượng 391.500 đơn vị. Sau hai lần bị bán giải chấp, ông Cần chỉ còn nắm giữ 5,86 triệu cổ phiếu VNE như trên.

Bên cạnh ông Trần Quang Cần, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Anh Tuấn cũng rơi vào tình tương tự. Trong hai ngày 24 và 25/10, ông Tuấn bị bán giải chấp tổng cộng 1,4 triệu cổ phiếu, giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ xuống còn 2,4 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,94%.

Động thái thoái vốn của ông Cần diễn ra trong bối cảnh Xây dựng Điện Việt Nam liên tục có những biến động về cổ đông lớn còn thị giá cổ phiếu VNE thì lao dốc với một loạt các phiên giảm sàn.

Trước ông Cần, ông Smit Cheancharadpong (quốc tịch Thái Lan) cũng báo cáo không còn là cổ đông tại Xây dựng Điện Việt Nam sau khi bán ra hơn 4,32 triệu cổ phiếu trong phiên giao dịch 23/10, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,27% về 0%. Đáng chú ý, cũng trong phiên giao dịch này, bà La Mỹ Phượng, một cổ đông lớn đang nắm giữ 5,21 triệu cổ phiếu (tương đương 6,35% vốn) tại Xây dựng Điện Việt Nam cũng đã mua báo cáo mua vào đúng bằng lượng ông Smit Cheancharadpong bán ra, nâng sở hữu lên hơn 9,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 11,63%). Khả năng cao đây là giao dịch sang tay giữa hai cổ đông này.

Cũng trong ngày 23/10, một cổ đông lớn khác của Xây dựng Điện Việt Nam là quỹ đầu tư Smit Cheancharadpong đến từ Thái Lan cũng thông báo đã thoái sạch 4,32 triệu cổ phiếu VNE, hạ tỷ lệ sơ hữu từ 5,27% xuống còn 0%, qua đó không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp này.

Ít lâu sau đó, giữa tháng 11, Công ty CP Malblue, doanh nghiệp liên quan đến Chủ tịch HĐQT Nguyễn Minh Tuấn cũng đã chính thức rời ghế cổ đông lớn tại Xây dựng Điện Việt Nam sau khi bán ra gần 2,5 triệu cổ phiếu VNE từ ngày ngày 12/10 đến ngày 9/11. Theo đó, số lượng cổ phiếu mà Malblue giảm từ hơn 6,5 triệu xuống còn 4 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu giảm từ 7,2% xuống còn 4,45%.

Đáng chú ý, trong tổng số 2,5 triệu cổ phiếu bán ra, có 641.500 cổ phiếu thuộc trường hợp bị bán giải chấp, được thực hiện tại ngày 25/10, ngay phiên giảm sàn thứ 7 liên tiếp của VNE.

Dù vậy, do điều kiện thị trường không thuận lợi, Malblue vẫn chưa hoàn thành kế hoạch thoái vốn đề ra. Trước đó, cổ đông tổ chức này đã đăng ký bán 3,6 triệu cổ phiếu VNE.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày phiên 4/12, cổ phiếu VNE đóng cửa ở mức 6.620 đồng/cp, mất hơn 40% so với đầu tháng 10.

Thêm một cổ đông lớn của Xây dựng Điện Việt Nam
Cổ phiếu VNE vừa trải qua một nhịp giảm rất sâu

Về kết quả kinh doanh, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Xây dựng Điện Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 647 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ hoạt động xây lắp điện giảm 75%, chỉ đạt 248 tỷ đồng. Tham dự 22 gói thầu trong lĩnh vực xây lắp điện với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay, nhưng Xây dựng Điện Việt Nam đã bị loại tại nhiều gói do không đáp ứng được yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp chỉ lãi vỏn vẹn 1,66 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý III, tổng tài sản của Xây dựng Điện Việt Nam đạt 3.599 tỷ đồng, giảm 10% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận ở mức 940 tỷ đồng, giảm 28%.

Đáng chú ý, doanh nghiệp ghi nhận 624 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn (tương ứng 17% tổng tải sản), chủ yếu đến từ chi phí xây dựng dở dang tại dự án nhà máy điện gió Thuận Nhiên Phong với giá trị 466 tỷ đồng. Đây là dự án có tổng công suất 32MW với tổng vốn đầu tư 1.499 tỷ đồng và đang được thế chấp cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, HOSE: HDB). Còn lại là chi phí dở dang tại dự án siêu thị Green Mart, TP. Đà Nẵng, dự án đầu tư khu đô thị mới Mỹ Thượng, tỉnh Thừa Thiên Huế và các dự án khác.

Nguồn vốn của Xây dựng Điện Việt Nam chủ yếu được tài trợ bởi vay nợ. Tại ngày 30/9/2023, dư nợ vay của doanh nghiệp lên đến gần 1.804 tỷ đồng, chiếm hơn 50% cơ cấu nguồn vốn, tăng 7% so với đầu năm.

Giá cổ phiếu liên tục lao dốc, Phó Chủ tịch VNE xin từ chức

Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam (HOSE: VNE) vừa thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch ...

Cổ phiếu VNE liên tiếp lau sàn, Phó Chủ tịch bị bán giải chấp, cổ đông nội bộ ồ ạt rút vốn

Trên thị trường, giá cổ phiếu VNE đã bốc hơi 34% từ đầu tháng 10/2023 tới nay, trong 10 phiên gần nhất (từ 10-23/10) cổ ...

Liên tiếp 7 phiên nằm sàn, cổ phiếu VNE tìm thấy đáy?

Trong phiên giao dịch ngày 25/10, dòng tiền đang liên tục đổ vào cổ phiếu của Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam ...

Hà Lê