Trung Quốc trong cuộc đua phát triển công nghệ, mở rộng hạ tầng sạc nhanh cho xe điện
Trung Quốc đang thiết lập chuẩn mới trong ngành xe điện với loạt công nghệ sạc siêu nhanh và nền tảng pin tiên tiến.
Sạc siêu nhanh – lợi thế cạnh tranh mới trong thị trường xe điện
Khi nhu cầu về xe điện ngày càng tăng, Trung Quốc không chỉ tập trung vào sản xuất mà còn mở rộng năng lực sạc nhanh. Một chiếc EV có thể sạc như điện thoại di động đang trở thành hiện thực tại quốc gia này.
Cuộc đua bắt đầu từ tháng 8/2022 khi XPeng công bố công nghệ sạc siêu nhanh S4, cung cấp 210 km phạm vi di chuyển chỉ sau 5 phút sạc cho mẫu G9. Kể từ đó, nhiều hãng xe điện Trung Quốc liên tiếp giới thiệu những đột phá về tốc độ sạc, sử dụng nền tảng điện áp 800V thay cho chuẩn 400V phổ biến. Đây là một hệ sinh thái công nghệ hoàn chỉnh bao gồm bộ pin điện áp cao, động cơ hiệu suất lớn, bộ biến tần, sạc tích hợp và hệ thống làm mát tối ưu.

Đáng chú ý, BYD – hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc công bố nền tảng Super e-Platform hỗ trợ sạc lên đến 1.000kW, đạt dòng sạc 1.000A và tốc độ sạc 10C, tương đương sạc đầy pin trong khoảng 6 phút. Pin mới cũng sử dụng vật liệu silicon carbide (SiC) do hãng tự phát triển.
Tại sự kiện EV10 (tháng 3/2025), Zeekr – thương hiệu cao cấp của Geely ra mắt trụ sạc làm mát bằng chất lỏng, công suất 1,2MW. Hệ thống này có thể cấp năng lượng cho các mẫu xe điện tương lai với tốc độ chưa từng có, dù hãng chưa xác nhận dòng xe nào tương thích.
Đột phá công nghệ pin và mở rộng hạ tầng
Không chỉ các hãng xe, những doanh nghiệp công nghệ và pin tại Trung Quốc cũng tham gia cuộc đua. CATL, tập đoàn pin lớn nhất thế giới, vừa công bố thế hệ Shenxing LFP 2 có thể cung cấp phạm vi 800 km và tốc độ sạc đạt đỉnh 12C, tức 2,5 km di chuyển chỉ sau 1 giây sạc. Pin này hỗ trợ công suất sạc tối đa 1,3MW, vượt trội so với phiên bản cũ năm 2023 (4C).
Không kém cạnh, Huawei cũng giới thiệu hệ thống sạc 1,5MW tại hội nghị DriveONE 2025 ở Thượng Hải. Hệ thống này có thể sạc đầy pin dung lượng 300kWh chỉ trong 15 phút. Huawei tích hợp hệ thống làm mát bằng chất lỏng và chip SiC để tối ưu hiệu suất sạc.
Trung Quốc đang mở rộng mạng lưới trạm sạc megawatt, trong đó BYD dẫn đầu với kế hoạch xây dựng 4.000 trạm sạc 1MW. Ngoài ra, các hãng như CATL, Nio, Geely và Sinopec cũng phát triển hệ thống đổi pin nhanh, giúp giảm thời gian nạp năng lượng so với phương thức sạc truyền thống.
Tuy nhiên, việc vận hành nhiều trạm sạc công suất cao đồng thời có thể gây áp lực lên lưới điện quốc gia. Để đối phó, Huawei hợp tác với Tập đoàn Lưới điện Trung Quốc phát triển hệ thống lập lịch thông minh, điều chỉnh công suất sạc theo thời gian thực và giảm công suất đỉnh tới 40%.
Kiểm soát công nghệ và chuỗi cung ứng toàn cầu
Không dừng lại ở đổi mới, Trung Quốc cũng bắt đầu siết chặt xuất khẩu công nghệ pin, động thái được cho là nhằm bảo vệ lợi thế cạnh tranh và kiểm soát chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành xe điện.
Theo thông báo từ Bộ Thương mại Trung Quốc, nhiều công nghệ liên quan đến sản xuất pin EV, đặc biệt là quy trình xử lý lithium – nguyên liệu quan trọng đã được bổ sung vào danh sách kiểm soát xuất khẩu. Mọi hoạt động chuyển giao công nghệ, kể cả hợp tác nghiên cứu hay đầu tư, sẽ cần giấy phép từ chính phủ.
Điều này cho thấy Trung Quốc đang chủ động định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh phương Tây ngày càng đẩy mạnh phát triển nội địa hóa pin và năng lượng sạch. Với năng lực sản xuất chiếm hơn 70% thị phần pin EV toàn cầu, Trung Quốc có vị thế đặc biệt để tác động đến giá cả, công nghệ và dòng đầu tư quốc tế.