Mô hình mới

60 tuổi chưa nghỉ hưu, nông dân Lào Cai gieo “mùa xanh” giữa vùng đất khô cằn, hái về nửa tỷ đồng mỗi năm

Bạch Băng 26/07/2025 6:00

Một nông dân tại Lào Cai vẫn gắn bó với nghề cũ nhưng sử dụng cách làm mới, tạo ra thu nhập khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.

Gieo trồng giữa vùng đất nhiều nắng gió

Ở tuổi 60, ông Trần Văn Thuận - một nông dân ở thôn Hòa Lạc, xã Gia Phú, tỉnh Lào Cai vẫn giữ thói quen dậy từ 1 giờ sáng để thu hoạch rau, đưa ra chợ thành phố bán. Công việc đều đặn suốt hơn bốn thập kỷ ấy không khiến ông mỏi mệt mà ngược lại là động lực để ông xây dựng nên một mô hình trồng rau màu hiệu quả và đáng tin cậy.

Ông Thuận bén duyên với nghề nông từ thuở còn nhỏ, khi theo bố mẹ trồng rau bên bờ suối Ngòi Bo. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào năm 1987, ông trở lại quê nhà và bắt đầu cải tạo đất canh tác. Nhận thấy trồng lúa không phù hợp do địa hình hay ngập úng, ông chuyển sang trồng các loại rau màu ngắn ngày như mướp đắng, mướp ngọt, su su, bắp cải, đậu cô ve...

Ông Trần Văn Thuận, thôn Hoà Lạc, xã Gia Phú, tỉnh Lào Cai thu gọn đồ đạc sau chuyến đi chợ bán nông sản về (1)
Ông Trần Văn Thuận thu gọn đồ đạc sau chuyến đi chợ bán nông sản

Những ngày đầu làm nông còn nhiều khó khăn, ông phải tận dụng tre và gỗ để làm giàn cho cây leo. Sau nhiều năm tích cóp, ông đầu tư hệ thống cọc bê tông, dây thép kiên cố, giúp cây mướp phát triển tốt, tăng năng suất và chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.

Mô hình rau sạch hiệu quả giữa núi rừng

Hiện tại, gia đình ông Thuận sở hữu gần 2 ha đất trồng chuyên canh rau màu. Vào mùa hè, khu vườn của ông bước vào giai đoạn thu hoạch cao điểm với các loại mướp đắng, mướp ngọt, đậu đũa. Ông còn nhạy bén thử nghiệm trồng mướp trái vụ, đạt năng suất tới 30 tấn/vụ, đem lại doanh thu gần 350 triệu đồng.

Tổng sản lượng rau, củ, quả trong năm đạt khoảng 50 tấn, tương đương khoảng 500 triệu đồng doanh thu. Mức thu nhập này là kết quả của sự kiên trì, áp dụng đúng kỹ thuật, và trên hết là tư duy sản xuất nông sản sạch không hóa chất, không thuốc bảo vệ thực vật.

Vườn rau bắp cải của gia đình ông Trần Văn Thuận (1)
Vườn rau bắp cải của gia đình ông Thuận

Ông Thuận đặc biệt chú trọng cải tạo đất sau mỗi vụ: cày xới lại, rắc vôi khử chua, bổ sung phân chuồng hoai mục. Đây là nền tảng giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh mà không cần đến hóa chất can thiệp. “Trồng cho người ta ăn cũng như trồng cho mình ăn. Phải đảm bảo sạch sẽ, an toàn”, ông nói với sự chắc chắn của người đã sống trọn đời với nghề.

Tâm huyết, trăn trở và mong muốn được hỗ trợ

Dù tuổi cao, ông Thuận vẫn tự tay chăm sóc từng luống rau, giàn quả. Mỗi buổi sáng, ông đều đặn mang những bó rau tươi nhất ra chợ truyền thống để tiêu thụ. Không chỉ sản xuất, ông còn là người bán hàng từ vườn ra chợ, từ nụ cười người tiêu dùng đến những đồng tiền chân chính từ nông sản.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui thu hoạch, ông Thuận cũng bày tỏ nhiều nỗi trăn trở. Theo ông, nông sản sạch vẫn chủ yếu tiêu thụ qua kênh truyền thống, chưa được kết nối vào siêu thị hay chuỗi cửa hàng tiện lợi. Điều này khiến đầu ra chưa ổn định, người nông dân dù làm ra sản phẩm tốt nhưng vẫn khó mở rộng sản xuất hoặc tăng chất lượng bền vững.

Ông chia sẻ: “Cái cần nhất là giúp bà con xây dựng thương hiệu, dán tem nhãn cho sản phẩm. Có hệ thống phân phối tốt, bà con mới yên tâm sản xuất. Còn hiện nay, nhiều người vẫn làm manh mún, tự lo từng khâu từ trồng, thu hoạch đến bán lẻ.”

Từ góc nhìn của một người làm nông lâu năm, ông hy vọng sẽ có nhiều hơn các chính sách hỗ trợ thực chất từ các cơ quan quản lý từ kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng cho đến xây dựng chuỗi giá trị. Đó là cách để “nông dân không đơn độc trên cánh đồng”, như cách ông vẫn cần mẫn suốt bao năm qua.

Bạch Băng