Mô hình mới

Nông dân Thái Nguyên “hóa phép” trên đất bạc màu, làm giàu từ thứ chẳng ai nghĩ đến, giờ có cả đế chế riêng của mình

Bạch Băng 25/07/2025 19:00

Mô hình của nông dân trẻ Hoàng Mạnh Tuấn tại Thái Nguyên đang chứng minh hiệu quả kinh tế lẫn xã hội khi vừa cung cấp nông sản an toàn cho người tiêu dùng.

Bỏ phố về quê để gieo mầm xanh

Trong khi nhiều bạn bè lựa chọn lập nghiệp nơi phố thị, kỹ sư trẻ dân tộc Nùng – Hoàng Mạnh Tuấn lại quyết định trở về quê hương Võ Nhai (Thái Nguyên) để làm nông dân. Anh chọn bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, với khát vọng xây dựng một nền nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững cho vùng cao còn nhiều khó khăn.

Sinh năm 1999, Hoàng Mạnh Tuấn tốt nghiệp ngành Khoa học cây trồng tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Nhận thấy những bất cập trong cách làm nông nghiệp truyền thống như lạm dụng phân hóa học, đất bạc màu, sản phẩm không đảm bảo an toàn, anh quyết định bắt tay vào xây dựng một mô hình nông nghiệp hữu cơ tại chính mảnh đất quê hương mình.

Sản phẩm rau hữu cơ của Công ty TNHH Nông nghiệp và Dịch vụ AE Thái Nguyên có mặt tại các hội chợ trong tỉnh
Sản phẩm rau hữu cơ của Công ty TNHH Nông nghiệp và Dịch vụ AE Thái Nguyên có mặt tại các hội chợ trong tỉnh (Ảnh: Báo Thái Nguyên)

Năm 2023, anh thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp và Dịch vụ AE Thái Nguyên, tập trung vào hai sản phẩm chủ lực phân vi sinh và rau ăn lá hữu cơ.

Mô hình nông nghiệp sạch và chiến lược cộng đồng

Với mục tiêu cải tạo đất và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, anh Tuấn đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh để xử lý phân chuồng, tạo ra dòng phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường. Sản phẩm này giúp cải thiện chất lượng đất canh tác và hạn chế sự lệ thuộc vào phân bón hóa học.

Song song, anh triển khai mô hình trồng rau ăn lá hữu cơ theo quy trình “5 không”: Không thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón hóa học, không chất kích thích sinh trưởng, không giống biến đổi gen và không chất bảo quản. Nhờ quy trình nghiêm ngặt, rau hữu cơ AE Thái Nguyên giữ được độ tươi lâu, vị ngọt đậm và giàu dinh dưỡng, phù hợp với xu hướng tiêu dùng an toàn hiện nay.

Anh Hoàng Mạnh Tuấn bên vườn rau hữu cơ
Anh Hoàng Mạnh Tuấn bên vườn rau hữu cơ (Ảnh: Báo Thái Nguyên)

Chỉ sau chưa đầy hai năm, sản phẩm rau và phân vi sinh của AE Thái Nguyên đã được tiêu thụ tại địa phương và một số khu vực thành thị trong tỉnh. Anh Tuấn cũng tích cực tận dụng mạng xã hội để quảng bá thương hiệu, triển khai chương trình tích điểm đổi quà nhằm tăng sự gắn kết với khách hàng.

Đặc biệt, anh chủ động chia sẻ kỹ thuật sản xuất hữu cơ cho người dân có nhu cầu và cam kết thu mua sản phẩm đạt chuẩn, góp phần thay đổi nhận thức và phương pháp canh tác tại nhiều hộ gia đình. Một số nhà vườn tại Võ Nhai và các xã lân cận đã thử nghiệm phân vi sinh AE cho cây ăn quả, cây cảnh và bước đầu đạt kết quả tích cực: cây phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh, lá xanh mướt.

Từ mô hình nhỏ đến định hướng phát triển bền vững

Hoàng Mạnh Tuấn cho biết để trồng rau hữu cơ đúng chuẩn, người làm nông không chỉ cần kiến thức cơ bản mà còn phải hiểu rõ cơ chế sinh trưởng của cây, nguồn nước và điều kiện đất. Tại AE Thái Nguyên, đất và nước đều được kiểm định để không nhiễm kim loại nặng hay chất thải công nghiệp.

Tầm nhìn của anh không dừng ở sản xuất nhỏ lẻ. Tuấn đang hướng đến xây dựng chuỗi cung ứng khép kín thông qua liên kết với các hợp tác xã địa phương, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng cho thương hiệu AE Thái Nguyên phát triển bền vững.

Mô hình của Tuấn không chỉ là câu chuyện thành công cá nhân mà còn là lời khẳng định rằng: nông dân trẻ hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, thị trường và tương lai nông nghiệp nếu có tư duy đổi mới và tinh thần dấn thân.

Những nỗ lực của anh được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng như: Giải Nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên dân tộc thiểu số năm 2023, Giải Ba cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp thanh thiếu niên xã Phú Thượng năm 2024. Anh cũng vinh dự được tuyên dương là “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”.

Bạch Băng