Campuchia có loại vũ khí từng "làm mưa làm gió" trên thế giới
Việc Campuchia sử dụng loại vũ khí này đã thu hút sự quan tâm lớn.
Xung đột biên giới ngày 24/7
Ngày 24/7, căng thẳng tại khu vực tranh chấp biên giới giữa Campuchia và Thái Lan đã leo thang nghiêm trọng khi quân đội Campuchia sử dụng pháo phản lực BM-21 Grad.

Việc sử dụng pháo phản lực đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Đây cũng là lần hiếm hoi trong những năm gần đây mà loại vũ khí từng "làm mưa làm gió" thời Chiến tranh Lạnh được sử dụng trong một cuộc xung đột biên giới.
BM-21 Grad: Cũ nhưng không thể xem thường
Hệ thống BM-21 Grad (Boyevaya Mashina 21 – Cỗ máy chiến đấu số 21) được Liên Xô phát triển từ thập niên 1960. Đây là loại pháo phản lực phóng loạt gắn trên khung xe tải Ural 375D hoặc Ural 4320, có khả năng bắn cùng lúc 40 quả rocket cỡ 122mm chỉ trong vòng chưa đến 20 giây.

Tầm bắn của BM-21 Grad dao động từ 20 đến 40 km tùy theo loại đạn, trong đó đạn 9M22U mang đầu nổ phân mảnh có sức sát thương cao đối với bộ binh và các mục tiêu không bọc thép.
Theo giới phân tích quân sự từ RIA Novosti và Wall Street Journal, dù không có độ chính xác cao như các hệ thống pháo hiện đại, BM-21 lại có sức hủy diệt trên diện rộng, phù hợp với chiến thuật áp đảo bằng hỏa lực.
Từ góc độ công nghệ, BM-21 Grad rõ ràng không còn tiên tiến nếu so với các hệ thống MLRS hiện đại như HIMARS (Mỹ) hay Tornado-G (Nga). Tuy nhiên, trong các cuộc xung đột cục bộ, đặc biệt với các quốc gia có ngân sách quốc phòng hạn chế, đây vẫn là vũ khí đáng gờm.