Chính sách - Đầu tư

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, khẩn trương tái định cư cho người dân

Bạch Băng 24/07/2025 16:16

Hà Nội đang khẩn trương hoàn tất công tác rà soát hướng tuyến, giải phóng mặt bằng và quy hoạch khu tái định cư cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Điểm đầu chiến lược của đường sắt cao tốc Bắc – Nam

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 172 ngày 30/11/2024, là một trong những công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia. Với tổng chiều dài 1.541 km, tuyến đường sắt sẽ nối Hà Nội và TP.HCM bằng khổ ray tiêu chuẩn 1.435 mm, tốc độ thiết kế lên tới 350 km/h, đi qua 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Tổng mức đầu tư sơ bộ là 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67 tỷ USD), dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt cao tốc
Hà Nội đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt cao tốc

Tại Hà Nội, tuyến đường sắt cao tốc dài khoảng 27,9 km, đi qua các xã: Ngọc Hồi, Thường Tín, Thượng Phúc, Phượng Dực, Chuyên Mỹ và Đại Xuyên (thuộc các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên cũ), với diện tích đất thu hồi hơn 112 ha. Trong đó, xã Thường Tín và Thượng Phúc ghi nhận ảnh hưởng đến khoảng 411 hộ gia đình, với nhu cầu quỹ đất tái định cư khoảng 16 ha.

Công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư

Để đáp ứng mốc tiến độ khởi công trước ngày 31/12/2026 theo Nghị quyết 106 của Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo hoàn tất rà soát hướng tuyến trong tháng 7/2025 và bàn giao mốc giải phóng mặt bằng trong tháng 8. Song song đó, các địa phương phải nhanh chóng quy hoạch khu tái định cư với tiêu chí “nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Mặt bằng ga Ngọc Hồi (1)
Mặt bằng xây dựng ga Ngọc Hồi vẫn đang được giải phóng

Việc bố trí tái định cư không chỉ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, mà còn bảo đảm hài hòa lợi ích người dân. Trong bối cảnh quỹ đất tại khu vực ven đô ngày càng khan hiếm, việc sớm có phương án bố trí hợp lý là yếu tố then chốt đảm bảo tiến độ dự án.

Động lực phát triển đô thị phía Nam Hà Nội

Điểm khởi đầu của tuyến đường sắt cao tốc sẽ được đặt tại ga Ngọc Hồi, nơi đang quy hoạch tổ hợp hạ tầng giao thông quy mô lớn với diện tích khoảng 251 ha, vốn đầu tư 19.000 tỉ đồng. Đây sẽ là điểm kết nối đa tuyến, bao gồm ga đường sắt cao tốc, ga đường sắt quốc gia, ga hàng hóa, depot đường sắt đô thị và các hạ tầng kỹ thuật liên quan.

Đến nay, địa phương đã giải phóng mặt bằng được hơn 170 ha. Giai đoạn tiếp theo, xã Ngọc Hồi cam kết huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, bám sát thực tế từng khu vực và hộ dân nhằm hạn chế tối đa khiếu kiện, đảm bảo công khai, minh bạch.

Một điểm đáng chú ý là đường sắt cao tốc sẽ không đi xuyên vào nội đô Hà Nội mà dừng lại tại ga Ngọc Hồi. Từ đây, hành khách có thể sử dụng tuyến metro Yên Viên – Ngọc Hồi để tiếp tục di chuyển vào trung tâm thành phố. Giải pháp này được đánh giá là phù hợp với xu hướng phát triển giao thông hiện đại, giúp giảm tải áp lực giao thông trong nội đô, đồng thời tận dụng tốt mạng lưới đường sắt đô thị đang được đầu tư.

Liên kết vùng và định hướng phát triển dài hạn

Từ ga Ngọc Hồi, tuyến đường sắt cao tốc sẽ vượt qua các tuyến đường vành đai phía Nam, đi qua Thường Tín, Phú Xuyên trước khi chuyển hướng về phía Đông nhằm vòng tránh các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Việc lựa chọn hướng tuyến đã tính toán đến các yếu tố kỹ thuật, dân cư, quy hoạch hiện hữu và tương lai, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các khu đô thị và cơ sở sản xuất.

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao từ ga đầu Ngọc Hồi hướng về phía Ninh Bình mới
Hướng tuyến đường sắt cao tốc từ ga Ngọc Hồi hướng về phía tỉnh Ninh Bình mới

Đường sắt cao tốc không chỉ là phương tiện vận chuyển hành khách nhanh chóng mà còn là công cụ thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ và logistic. Đặc biệt, khu vực Ngọc Hồi được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ mới ở cửa ngõ phía Nam Hà Nội, góp phần tái cơ cấu đô thị theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Bạch Băng