Người dân tỉnh Vĩnh Long mới hài lòng với mô hình chính quyền 2 cấp sau sáp nhập
Việc triển khai mô hình hành chính sau sáp nhập đã giúp người dân tiếp cận thủ tục hành chính dễ dàng hơn.
Bộ máy mới, cách tiếp cận mới
Sau hơn 20 ngày triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại các xã vừa sáp nhập, người dân ở Châu Thành và Song Lộc (thuộc tỉnh Vĩnh Long) đã dần quen với cách vận hành mới của bộ máy hành chính. Dù vẫn còn một số khó khăn ban đầu, nhiều người dân ghi nhận sự thuận tiện rõ rệt trong tiếp cận dịch vụ hành chính công.
Tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công (TTPVHCC) xã Châu Thành (nơi vừa sáp nhập từ các đơn vị cũ gồm xã Đa Lộc, Thanh Mỹ, Mỹ Chánh và thị trấn Châu Thành), lượng người đến giao dịch tăng lên đáng kể. Tuy vậy, nhờ sự hướng dẫn tận tình từ đội ngũ cán bộ, người dân không còn bỡ ngỡ như những ngày đầu.

Ông Thạch Cua, ngụ ấp Trì Phong, chia sẻ sau khi hoàn tất thủ tục khai sinh cho cháu: “Lúc đầu tôi còn lo lắng vì chưa quen với cách làm mới, nhưng vào rồi thấy dễ hơn trước, giải quyết rất nhanh”. Tương tự, bà Thạch Thị Phum, ấp Bàu Sơn, cho biết: “Trước khi đi làm giấy kết hôn, tôi cứ tưởng sẽ rườm rà. Nhưng đến nơi, các đoàn viên hướng dẫn cụ thể, làm giấy tờ xong nhanh chóng”.
Theo anh Trần Huỳnh Bá Vũ Linh, công chức phụ trách bảo hiểm xã hội tại TTPVHCC xã Châu Thành, lượng người đến làm thủ tục tăng lên rõ rệt, đặc biệt là người lớn tuổi và lao động tự do. “Chúng tôi vừa phải tiếp nhận, vừa giải thích cho người dân cách nộp hồ sơ trực tuyến. Nhiều người chưa có tài khoản VNeID hoặc chưa quen thao tác, nên phải hướng dẫn từng bước,” anh Linh nói.
Từ ngày 1/7 đến 16/7, TTPVHCC xã Châu Thành tiếp nhận 550 hồ sơ, trong đó 353 hồ sơ nộp trực tuyến và 197 hồ sơ nộp trực tiếp. Đáng chú ý, có 377 hồ sơ được xử lý hoàn tất trước thời hạn – minh chứng cho sự chủ động và hiệu quả trong phối hợp nội bộ của trung tâm.
Địa phương có đông đồng bào Khmer từng bước chuyển mình
Tại xã Song Lộc nơi có hơn 40% dân số là người Khmer, mô hình mới cũng đang từng bước tạo ra sự chuyển biến tích cực trong cung cách phục vụ. Theo thống kê, từ 1–15/7, TTPVHCC xã Song Lộc tiếp nhận 518 hồ sơ, trong đó có tới 441 hồ sơ nộp trực tuyến. Trong tổng số 498 hồ sơ đã xử lý, có 413 hồ sơ hoàn tất trước hạn.
Chị Thạch Thị Thanh Lệ, công chức Tư pháp – Hộ tịch – Chứng thực chia sẻ: “Từ khi áp dụng mô hình mới, số người đến làm thủ tục khai sinh, kết hôn, khai tử... tăng rõ rệt. Nhiều người ban đầu bối rối, nhất là người lớn tuổi hoặc đồng bào dân tộc, nhưng khi được hướng dẫn cụ thể thì đều hợp tác và hài lòng”.

Để khắc phục tình trạng người dân mang thiếu giấy tờ, trung tâm đã niêm yết công khai quy trình thủ tục và chuẩn bị các biểu mẫu minh họa, đồng thời phân công cán bộ trực sẵn để hỗ trợ tư vấn. Bà Kim Thị Mai Loan – Phó Giám đốc TTPVHCC xã Song Lộc cho biết: “Một số phần mềm chuyên ngành chưa đồng bộ, chưa tích hợp đủ biểu mẫu khiến việc xử lý hồ sơ còn bị chậm. Tuy nhiên, chúng tôi xác định đây là giai đoạn chuyển tiếp, cần đồng hành với người dân và dần điều chỉnh”.
Ông Bành Khánh Nhờ, ngụ ấp Khánh Lộc kể lại trải nghiệm khi đi làm thủ tục giấy tờ: “Tôi không quen dùng điện thoại thông minh, nhưng cán bộ hướng dẫn rõ ràng, thậm chí làm giúp luôn. Mình chỉ cần mang giấy tờ đến là xong, nhẹ đầu hẳn”.
Hiệu quả ban đầu và kỳ vọng lâu dài
Dù vẫn còn một số trục trặc kỹ thuật, mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại các xã sau sáp nhập đang cho thấy hiệu quả ban đầu rõ rệt. Cách tổ chức hành chính theo hướng tập trung, liên thông và thân thiện giúp người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn, từ đó góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào chính quyền.
Sự chủ động trong điều phối công việc, linh hoạt hỗ trợ người dân chưa quen công nghệ, cùng với thái độ phục vụ văn minh – đúng mực đã tạo ra sự thay đổi tích cực tại các TTPVHCC cấp xã. Đây là những yếu tố then chốt để xây dựng nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch và lấy người dân làm trung tâm.
Trong giai đoạn tiếp theo, các địa phương sau sáp nhập sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống phần mềm, tích hợp dữ liệu hành chính, và nâng cao kỹ năng cho cán bộ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Việc đồng bộ quy trình và ứng dụng công nghệ thông tin được xem là yếu tố cốt lõi để mô hình chính quyền hai cấp hoạt động hiệu quả và bền vững.