Mô hình mới

Thay vì cách làm truyền thống, người nông dân Lâm Đồng làm giàu từ "mỏ vàng" mới ngay ở chính khu vườn nhà mình

Ngọc Linh 20/07/2025 19:00

Mô hình này đang trở thành hướng làm giàu mới cho nông dân tại Đà Lạt và cao nguyên Lâm Viên.

Khi du khách đến với nông trại

Trên nền tảng của nông nghiệp truyền thống, nhiều nông dân tại Đà Lạt và vùng phụ cận đang chuyển mình mạnh mẽ để khai thác tiềm năng từ loại hình du lịch nông nghiệp. Từ chỗ chỉ chuyên trồng trọt, chăn nuôi, giờ đây họ đã biết mở cửa vườn nhà, đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và mua nông sản tại chỗ. Hành trình này không chỉ mang lại giá trị văn hóa mà còn mở ra hướng làm giàu mới trên chính mảnh đất quen thuộc.

Tại thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, vườn nho của lão nông Nguyễn Hữu Thành trở thành điểm dừng chân hấp dẫn. Những chùm nho căng mọng, được trồng và chăm sóc theo kỹ thuật đặc biệt, đã tạo nên trải nghiệm du lịch độc đáo. Du khách không chỉ tham quan mà còn có thể trò chuyện trực tiếp với chủ vườn, tìm hiểu quy trình chăm sóc cây trồng, và tận tay hái nho mang về.

Du khách thích thú tham quan vườn dâu tây
Du khách thích thú tham quan vườn dâu tây tại Đà Lạt

Chị Minh Thùy, du khách đến từ TP.HCM chia sẻ: “Tôi đưa các cháu đến để vừa tham quan vừa học hỏi. Tự tay cắt nho mang về là trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với việc mua nho ở chợ”.

Không xa vườn nho là Bồng Lai Farm, một mô hình du lịch canh nông được xây dựng giữa đồng cỏ voi bát ngát và khu chăn nuôi bò sữa đặc trưng của Lâm Đồng. Dù không nằm gần trung tâm, nơi đây vẫn thu hút lượng lớn du khách đến nghỉ dưỡng, check-in và tận hưởng không gian thôn quê yên bình.

Cùng với đó là hàng loạt mô hình khác như Nông trại Cún, Tám Trình Coffee Experiences, hay Avocado Farm, đang góp phần khẳng định vai trò của du lịch nông nghiệp trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Du lịch nông nghiệp và lợi ích kép cho người nông dân

Cao nguyên Lâm Viên không chỉ nổi tiếng với khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên trong lành, mà còn là vùng đất giàu tài nguyên nông nghiệp và đa dạng văn hóa cộng đồng. Các địa phương như Xuân Trường – Đà Lạt, nơi có cà phê Arabica, Moka và hồng treo gió, đang tận dụng thế mạnh để kết hợp sản xuất với du lịch, tạo ra sinh kế bền vững cho người dân.

Hoạt động du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp không chỉ tạo thêm thu nhập cho bà con mà còn giúp quảng bá đặc sản, gìn giữ văn hóa bản địa và khơi gợi tinh thần sáng tạo trong lao động.

Ông Trần Đăng Khôi, nông dân làng hoa Thái Phiên chia sẻ: “Trước đây chúng tôi chỉ biết trồng hoa bán chợ. Từ ngày có khách đến chụp ảnh, tham quan, thu nhập ổn định hơn, làng hoa cũng được nhiều người biết đến”.

Không chỉ là việc “bán vé vào vườn”, mô hình du lịch nông nghiệp đòi hỏi người nông dân chuyển mình trở thành người làm dịch vụ. Họ phải đầu tư bài bản từ cảnh quan, câu chuyện sản phẩm cho tới trải nghiệm của du khách. Nhưng đổi lại, họ không còn đơn độc trong sản xuất, mà đang góp phần đưa nông thôn lên bản đồ du lịch của cả nước.

Đầu tư bài bản để khai thác "mỏ vàng" làm giàu từ nông thôn

Loại hình du lịch nông nghiệp hiện đang được nhiều địa phương trên cao nguyên Lâm Viên xác định là một trong những giải pháp phát triển bền vững cho nông thôn mới. Tuy nhiên, để phát triển đúng tiềm năng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng.

Về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, điện, nước và môi trường cần được đầu tư để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích người dân giữ gìn cảnh quan, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và xây dựng câu chuyện sản phẩm hấp dẫn.

Du lịch nông nghiệp không chỉ là hướng đi thời thượng, mà còn là cách tiếp cận sâu sắc với mô hình “kinh tế xanh – kinh tế chia sẻ”. Người nông dân không còn đơn thuần là người sản xuất mà đã trở thành người cung cấp dịch vụ, người kể chuyện, người kết nối văn hóa tất cả cùng hội tụ để tạo ra một hành trình trải nghiệm giàu cảm xúc.

Ngọc Linh