Dự báo giá vàng ngày mai 20/7: Tăng tiếp sau loạt báo cáo tích cực
Giá vàng thế giới phục hồi sau khi dữ liệu tiêu dùng và thị trường nhà ở Mỹ vượt kỳ vọng. Niềm tin suy giảm vào chính sách tiền tệ đang hỗ trợ xu hướng tăng.
Giá vàng hôm nay
Vào lúc 16h00, thị trường vàng trong nước ghi nhận đợt tăng giá tiếp theo, nối dài chuỗi phiên tăng liên tiếp trong tuần. Tại TP.HCM, giá vàng miếng SJC các loại 1 lượng, 10 lượng và 1kg được niêm yết ở mức 119,7 triệu đồng/lượng mua vào và 121,2 triệu đồng/lượng bán ra, tăng thêm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với hôm qua.

Đà tăng lan rộng khắp các tỉnh thành, từ Hà Nội, Đà Nẵng, Huế đến các khu vực miền Tây, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ… nơi nào có niêm yết giá SJC đều ghi nhận chung mức điều chỉnh mới. Hầu hết các doanh nghiệp lớn như PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý cũng nâng giá bán vàng miếng về sát mốc 121 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, vàng nhẫn SJC 99,99% và các sản phẩm nhẫn tròn trơn vẫn giữ nguyên giá so với hôm qua: 114,2 triệu đồng mua vào – 116,7 đến 116,8 triệu đồng/lượng bán ra.
Vàng trang sức các loại gần như không biến động. Vàng 999.9 được giao dịch quanh 116,1 – 118,4 triệu đồng/lượng, các dòng thấp tuổi hơn như 99%, 75%, 68%, 61%… tiếp tục giữ mức giá cũ, dao động từ 41 triệu đến 87 triệu đồng/lượng.
Tại Bảo Tín Minh Châu, các dòng vàng Rồng Thăng Long, vàng quà tặng và nhẫn tròn tăng nhẹ lên quanh vùng 116 – 119,1 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC tại Phú Quý nhích lên mức 118,7 – 121 triệu đồng/lượng, củng cố xu thế tăng đều trên toàn thị trường.
Giá vàng thế giới niêm yết ở mức 3.347,9 USD/ounce, tăng 10,9 USD/ounce.
Dự báo giá vàng
Giá vàng thế giới có xu hướng hồi phục sau khi Mỹ công bố hai báo cáo kinh tế tích cực liên quan đến tâm lý người tiêu dùng và thị trường nhà ở.
Cụ thể, theo khảo sát sơ bộ của Đại học Michigan, chỉ số Tâm lý người tiêu dùng Mỹ trong tháng 7 đạt 61,8 điểm – vượt dự báo 61,5 điểm và tăng so với mức 60,7 điểm của tháng trước. Dù đây là mức cao nhất trong 5 tháng, giới chuyên gia cho rằng người tiêu dùng vẫn còn dè dặt. “Tâm lý đã cải thiện nhưng niềm tin kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn,” bà Joanne Hsu, Giám đốc khảo sát tại Đại học Michigan nhận định.
Bên cạnh đó, dữ liệu thị trường nhà ở do Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy số nhà khởi công trong tháng 6 tăng 4,6%, đạt 1,321 triệu căn/năm – cao hơn mức dự báo 1,29 triệu căn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, hoạt động xây dựng vẫn giảm nhẹ 0,5%. Riêng phân khúc nhà đơn lập giảm 4,6%, trong khi số giấy phép xây dựng – chỉ báo cho xu hướng tương lai – tăng nhẹ 0,2%, đạt gần sát kỳ vọng thị trường.
Ngay sau khi các dữ liệu này được công bố, giá vàng ghi nhận mức tăng do tâm lý thị trường phản ứng tích cực, nhưng cũng đi kèm với sự không chắc chắn về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ông Naeem Aslam, Giám đốc đầu tư tại Zaye Capital Markets, nhận định: “Niềm tin vào chính sách tiền tệ ổn định đang giảm sút. Nếu Fed chịu nhượng bộ trước áp lực chính trị, giá vàng có thể sớm vượt mốc 3.500 USD/ounce trong ngắn hạn."
Tính đến giữa năm 2025, giá vàng đã tăng 26% và thiết lập 26 kỷ lục mới – gần tiệm cận số lần lập đỉnh của cả năm 2024 (40 lần). Đà tăng này phản ánh rõ ràng xu hướng dòng tiền tìm đến vàng trong môi trường biến động.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu đầu tư vàng tiếp tục tăng mạnh trên các sàn giao dịch và quỹ đầu tư. Tổng giá trị giao dịch vàng mỗi ngày trong nửa đầu năm đạt 329 tỷ USD – cao thứ hai trong lịch sử. Các ngân hàng trung ương toàn cầu cũng tiếp tục mua vào vàng dự trữ, dù tốc độ có phần chậm lại so với các quý trước.