Chính sách - Đầu tư

Sắp cấm xe xăng ở Hà Nội, chính sách hỗ trợ 3-5 triệu đồng giúp người dân chuyển đổi sang xe điện cần nghiên cứu thêm

Ngọc Linh 18/07/2025 16:00

Từ ngày 1/7/2026, Hà Nội sẽ cấm toàn bộ xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 1, đồng thời lên kế hoạch hỗ trợ người dân chuyển đổi sang xe điện.

Chính sách chuyển đổi phương tiện hướng đến người dân và hạ tầng bền vững

Sáng 18/7, tại Hà Nội, báo Dân trí phối hợp cùng Văn phòng UBND TP Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh”. Buổi tọa đàm tập trung vào các giải pháp thực thi lộ trình cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026, đồng thời làm rõ các chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe điện cho người dân.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phan Trường Thành – Trưởng phòng Tài chính – Đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh tinh thần của thành phố là đặt quyền lợi người dân lên hàng đầu trong mọi chính sách.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

"Chúng tôi thường xuyên theo dõi phản hồi trên mạng xã hội và lắng nghe ý kiến người dân. Điều đáng mừng là đa số người dân ủng hộ chủ trương, nhưng cũng có những băn khoăn mà chúng tôi cần giải đáp", ông Thành nói.

Một trong những thông tin đang thu hút sự quan tâm là Hà Nội dự kiến hỗ trợ 3-5 triệu đồng cho người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Tuy nhiên, ông Thành khẳng định đây mới là đề xuất từ đơn vị tư vấn trong dự thảo nghị quyết, chưa phải quyết định chính thức. Vì sử dụng ngân sách thành phố, chính sách hỗ trợ cần trải qua 17 bước phê duyệt, trong đó có lấy ý kiến phản biện xã hội, thẩm định các ban chuyên môn và cuối cùng là thông qua HĐND thành phố.

Đảm bảo hạ tầng trạm sạc và phương tiện thay thế

Một trong những băn khoăn lớn nhất hiện nay là: “Nếu cấm xe xăng, người dân sẽ đi bằng gì?”. Để trả lời câu hỏi đó, Hà Nội đang xây dựng phương án đồng bộ về vận tải công cộng và xe điện cá nhân.

Theo ông Phan Trường Thành, trong Vành đai 1 hiện có 45 tuyến xe buýt đang hoạt động. Trong thời gian tới, thành phố sẽ bổ sung thêm xe buýt điện cỡ nhỏ, phù hợp với kết cấu hạ tầng các tuyến đường nội đô, giúp người dân tiếp cận phương tiện công cộng thuận tiện hơn.

Xe điện trong Vành đai 1
Người dân sẽ sớm nhận được chính sách hỗ trợ từ phía thành phố về việc chuyển đổi sang xe điện

Bên cạnh đó, thành phố cũng định hướng bố trí trạm sạc và dịch vụ cho thuê xe máy điện tại các điểm dừng đỗ xe buýt. Các trạm này sẽ hỗ trợ kết nối đầu – cuối giữa phương tiện cá nhân và vận tải công cộng, đồng thời kích hoạt nhu cầu sử dụng xe điện trong nội đô.

Về dài hạn, giải pháp bền vững nhất vẫn là xây dựng mạng lưới tàu điện đô thị. Dù hiện nay các dự án metro gặp nhiều khó khăn về thủ tục đầu tư và thời gian thực hiện kéo dài (15–19 năm), nhưng Bộ Chính trị và Trung ương đã chỉ đạo Hà Nội và TP.HCM xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị hiện đại trong giai đoạn tới.

Quyết tâm không thể trì hoãn

Vành đai 1 được xác định là lõi đô thị trung tâm của Hà Nội, có chiều dài khoảng 23km, diện tích khoảng 26km², bao gồm cả hồ Tây (5km²) và đi qua nhiều tuyến đường trọng điểm như Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Đê La Thành, Cầu Giấy, Lạc Long Quân, Yên Phụ…

Theo thống kê, trong phạm vi Vành đai 1 hiện có khoảng 600.000 cư dân, sử dụng khoảng 450.000 phương tiện xe máy. Đây là khu vực có mật độ phương tiện cao nhất cả nước, với 7 tuyến đường hướng tâm chính từ các cửa ngõ vào trung tâm, trong đó 5 tuyến từ phía Nam sông Hồng và 2 tuyến từ phía Bắc thông qua cầu Chương Dương và cầu Long Biên (sắp tới có thêm cầu Tứ Liên).

Với lượng phương tiện dày đặc, việc cấm xe máy xăng lưu thông từ tháng 7/2026 là mốc thời gian phù hợp và cần thiết. Trưởng phòng Tài chính – Đầu tư Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định: “Chỉ thị 20 đặt ra mốc thời gian cụ thể là rất rõ ràng, cần quyết tâm thực hiện, không thể chậm trễ nữa”.

Ngọc Linh