Kiến thức

Mê công nghệ phải chọn ngành học này, tốt nghiệp không cần đi xin việc, mức lương ra trường với tấm bằng xịn khó thấp hơn 1000 USD/tháng

Ngọc Linh 17/07/2025 20:00

Đây là ngành học mới nhưng lại mở ra tương lai sáng cho nhiều sinh viên, với mức lương và nhu cầu tuyển dụng vô cùng cao.

Sự chuyển mình từ chuyên ngành nhỏ sang chương trình chính quy

Chỉ trong vài năm, trí tuệ nhân tạo (AI) đã không còn là một học phần phụ trong các chương trình công nghệ thông tin mà vươn lên trở thành một ngành học độc lập tại nhiều trường đại học hàng đầu Việt Nam. Xu hướng này xuất phát từ nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh AI trở thành một trong những trụ cột quan trọng của chuyển đổi số và kinh tế số.

sinh viên học trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo là xu hướng tất yếu của thế giới và đây đang là thời điểm đầu tiên của xu hướng này

Ở khu vực miền Bắc, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Công nghệ – ĐHQG Hà Nội đều đã thiết lập ngành học riêng biệt về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Trong đó, chương trình tại ĐHQG Hà Nội kết hợp sâu giữa AI và robot, tạo ra hướng đào tạo liên ngành hiện đại.

Tại miền Trung, Đại học Duy Tân nổi bật với mô hình liên kết quốc tế cùng Đại học Carnegie Mellon (Mỹ). Sinh viên được học giáo trình chuẩn quốc tế và tham gia các dự án thực tế ngay từ năm hai.

Ở phía Nam, Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Công nghệ Thông tin – ĐHQG TP.HCM, Đại học FPT và RMIT Việt Nam đều đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng AI, từ các phòng thí nghiệm học sâu (deep learning), thị giác máy tính đến hệ thống dữ liệu lớn. Hầu hết chương trình tại đây được giảng dạy bằng tiếng Anh, hướng đến thị trường lao động toàn cầu.

Đào tạo gắn với thực tiễn, hợp tác chặt với doanh nghiệp

Điểm đáng chú ý trong các chương trình đào tạo AI hiện nay là xu hướng gắn kết sâu với doanh nghiệp. Những cái tên như VinAI, FPT.AI, Viettel AI, KMS Technology, Rikkeisoft… thường xuyên đồng hành cùng trường đại học thông qua tài trợ học bổng, tổ chức workshop, tuyển thực tập sinh và chia sẻ dữ liệu dự án thực tế.

Sự hợp tác này giúp sinh viên được tiếp cận sớm với các bài toán thật, quy trình phát triển sản phẩm chuyên nghiệp, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thị trường lao động. Nhiều sinh viên năm ba, năm tư đã có thể tham gia làm việc bán thời gian hoặc nhận các dự án AI ngay khi chưa tốt nghiệp.

Điển hình, tại Đại học Công nghệ Thông tin – ĐHQG TP.HCM, ngành Trí tuệ nhân tạo được xây dựng bài bản với mã ngành 7480107, đào tạo cử nhân sau 3,5 năm. Sinh viên tốt nghiệp được trang bị cả nền tảng toán học – lập trình lẫn kỹ năng phân tích dữ liệu, thiết kế hệ thống và khả năng tự học nâng cao.

Triển vọng nghề nghiệp rộng mở, nhưng không dễ dàng

Là ngành học thuộc nhóm có thu nhập cao nhất, sinh viên AI ra trường có thể bắt đầu với mức lương 15–25 triệu đồng/tháng nếu có kỹ năng tốt và kinh nghiệm thực tế. Sau 2–3 năm, kỹ sư AI có thể đạt mức thu nhập 30–40 triệu đồng/tháng, đặc biệt nếu đảm nhận vai trò chuyên sâu như kỹ sư học máy, kỹ sư thị giác máy tính hoặc DevOps cho các nền tảng AI.

Học trí tuệ nhân tạo
Trong khi số lượng sinh viên ngành CNTT đang khá nhiều do FOMO nhưng không đáp ứng được thị trường, bạn có thể chọn học trí tuệ nhân tạo

Tuy nhiên, AI là lĩnh vực có yêu cầu rất cao. Người học cần nền tảng toán học vững vàng, kỹ năng lập trình thành thạo và khả năng tự học liên tục để theo kịp sự thay đổi công nghệ. Tài liệu học phần lớn bằng tiếng Anh, khối lượng kiến thức lớn, khiến nhiều sinh viên bỏ dở nếu không chuẩn bị kỹ.

Ngoài các công việc phổ biến trong doanh nghiệp công nghệ, sinh viên AI còn có thể làm nghiên cứu tại các viện, trường đại học, hoặc tham gia vào các startup, dự án quốc tế. Khả năng làm việc từ xa, ứng tuyển qua nền tảng freelance và góp mặt trong cộng đồng AI toàn cầu đang mở ra hướng phát triển linh hoạt cho thế hệ kỹ sư AI tại Việt Nam.

Ngọc Linh