Chính sách - Đầu tư

Hà Nội sắp cấm xe xăng, người dân trong Vành đai 1 đồng thuận, mong muốn TP có chính sách hỗ trợ phù hợp

Ngọc Linh 17/07/2025 16:31

Người dân trong Vành đai 1 Hà Nội mong muốn thành phố có chính sách hỗ trợ phù hợp, bố trí trạm sạc đầy đủ để chuyển đổi xe xăng sang xe điện.

Xe điện được ủng hộ

Lộ trình cấm xe máy chạy xăng trong khu vực vành đai 1 từ ngày 1/7/2026 đã được TP Hà Nội công bố.

Xu hướng chuyển đổi phương tiện từ xe xăng sang xe máy điện được đông đảo người dân ủng hộ vì lợi ích rõ rệt về môi trường, nhưng hạ tầng sạc, đặc biệt tại khu phố cổ và các chung cư nội đô, lại đang là điều được người dân quan tâm nhất lúc này.

Theo ghi nhận thực tế tại nhiều tuyến phố trong khu vực phường Hoàn Kiếm, không ít người dân đồng thuận với chủ trương chuyển đổi phương tiện, nhưng cũng bày tỏ lo ngại vì đặc thù hạ tầng cũ kỹ, chật hẹp.

Ngõ nhỏ phố cổ
Nhiều ngõ nhỏ phố cổ không đủ không gian cho việc đỗ xe hay sạc điện ngay tại nhà

Các ngõ nhỏ tại phố cổ, như ngõ Gạch, Hàng Buồm, Nguyễn Siêu... thường chỉ đủ chỗ cho một xe máy di chuyển. Việc đưa xe điện vào tận nhà để sạc là bất khả thi, chưa kể nguy cơ mất an toàn điện trong môi trường ẩm thấp, chật chội.

Hiện tại, các bãi xe công cộng trong khu vực vẫn chưa được trang bị trạm sạc cho xe điện. Một số hộ dân gửi xe ở đầu ngõ với chi phí từ 250.000 đến 300.000 đồng/tháng, nhưng điểm gửi chỉ đơn thuần là nơi để xe – không hỗ trợ sạc.

Bà Phương (60 tuổi, số 6 ngõ Gạch, phường Hoàn Kiếm) chia sẻ gia đình hiện có 2 xe máy xăng, do nhà trong ngõ nhỏ nên phải gửi bên ngoài với giá 300.000 đồng mỗi tháng.
Bà Phương (60 tuổi, số 6 ngõ Gạch, phường Hoàn Kiếm) chia sẻ gia đình hiện có 2 xe máy xăng, do nhà trong ngõ nhỏ nên phải gửi bên ngoài với giá 300.000 đồng/tháng

Ngoài vấn đề kỹ thuật, còn có rào cản từ thói quen sinh hoạt và điều kiện không gian sống. Nhiều ngôi nhà trong khu phố cổ chỉ có lối đi nhỏ, người dân sống trên tầng cao, khó bố trí thiết bị sạc an toàn.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra là phải có phương án lắp đặt trạm sạc tập trung tại đầu các tuyến ngõ, đi kèm các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy và tiện ích dùng chung nếu muốn đảm bảo tính khả thi khi chính sách được thực hiện.

Chung cư: Không gian hạn chế, chưa có quy chuẩn bắt buộc

Không chỉ phố cổ, ngay tại các khu chung cư trong vành đai 1 – nơi tập trung hàng vạn hộ dân, vấn đề hạ tầng trạm sạc cho xe máy điện cũng chưa được giải quyết triệt để.

Tại các tòa nhà như N3 Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng), các chung cư trên đường Đê La Thành, Hoàng Cầu, Láng Hạ… hiện chưa có quy định bắt buộc bố trí trạm sạc xe điện. Một số nơi tự phát bố trí các góc sạc xe đạp điện hoặc xe máy điện công suất nhỏ, nhưng quy mô còn hạn chế và không đủ đáp ứng nếu toàn bộ cư dân chuyển đổi phương tiện.

Một số chung cư trên đường Hoàng Cầu mới chỉ có vài góc nhỏ dành đặt trạm sạc xe đạp điện
Một số chung cư trên đường Hoàng Cầu mới chỉ có vài góc nhỏ dành đặt trạm sạc xe điện

Ban quản trị một số chung cư chia sẻ rằng chi phí đầu tư hạ tầng sạc ngoài trời hoặc trong tầng hầm là rất lớn, vượt quá khả năng tài chính của cư dân.

Việc bổ sung hạ tầng trạm sạc nếu không được triển khai đồng bộ, có thể dẫn đến tình trạng người dân tự ý kéo dây điện từ tầng nhà xuống tầng hầm, quá tải điện cục bộ và tranh chấp nội bộ...

Một thành phố “xe điện hóa”

Việc loại bỏ dần xe máy chạy xăng tại nội đô là mục tiêu phù hợp với chiến lược phát triển giao thông bền vững và giảm ô nhiễm không khí của Hà Nội. Tuy nhiên, để chuyển đổi thành công, cần đồng bộ nhiều giải pháp thay vì chỉ đơn lẻ khuyến khích người dân mua xe điện.

Các chuyên gia cho rằng Hà Nội cần:

  • Bổ sung quy hoạch trạm sạc tại các vị trí công cộng, đặc biệt là bãi xe đầu ngõ, tầng hầm chung cư, công viên, nhà ga, chợ dân sinh...
  • Xây dựng khung quy chuẩn kỹ thuật và an toàn phòng cháy chữa cháy cho trạm sạc dân dụng, đặc biệt trong môi trường sinh hoạt tập thể như chung cư.
  • Huy động xã hội hóa đầu tư hoặc có chính sách tín dụng ưu đãi cho ban quản trị tòa nhà, doanh nghiệp tư nhân đầu tư hạ tầng sạc.
  • Thiết kế nền tảng giám sát sử dụng trạm sạc thông minh, giúp chia sẻ, theo dõi và tính toán chi phí minh bạch cho cư dân.

Bài học từ các thành phố như Bắc Kinh, Amsterdam hay Singapore cho thấy chuyển đổi sang xe điện chỉ thành công khi có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ hệ thống quản trị đô thị: không gian công cộng, luật định và cơ chế tài chính phải song hành với quyết tâm chính trị.

Ngọc Linh