Kiến thức

Không còn nghi ngờ, đây là thứ vũ khí khiến quốc gia nào cũng "thèm khát" của Mỹ

Chí Vỹ 17/07/2025 11:53

Trong bối cảnh xung đột quân sự lan rộng, thứ này đang trở thành loại vũ khí được săn đón nhất thế giới.

Vì sao vũ khí phòng không Patriot được săn đón?

Trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine ngày càng căng thẳng, và các điểm nóng tại Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, một loại vũ khí phòng thủ đang trở nên đặc biệt khan hiếm trên toàn cầu – đó là tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3, một trong số ít hệ thống có khả năng đối phó với các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo.

Theo các chuyên gia, sự thiếu hụt này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ của Ukraine, mà còn phản ánh rõ ràng những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng quốc phòng của phương Tây – đặc biệt là Mỹ – vốn đang chịu áp lực ngày càng lớn.

tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3
Tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3

Hệ thống phòng không Patriot, do Mỹ sản xuất, được thiết kế với khả năng đánh chặn nhiều loại mục tiêu, bao gồm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu. Điểm mạnh của Patriot nằm ở loại đạn PAC-3 – dòng tên lửa được mệnh danh là "đạn tên lửa phòng không tiên tiến nhất thế giới" do Lockheed Martin sản xuất.

PAC-3 không sử dụng đầu đạn nổ mà tiêu diệt mục tiêu bằng phương pháp va chạm trực tiếp (hit-to-kill), mang lại độ chính xác rất cao, đặc biệt hiệu quả khi đối phó với tên lửa đạn đạo có tốc độ cực lớn.

Tuy nhiên, tốc độ cao và quỹ đạo phức tạp của các tên lửa đạn đạo như Kinzhal hay Iskander của Nga khiến việc đánh chặn trở nên vô cùng khó khăn. Đó là lý do vì sao PAC-3 trở thành loại vũ khí được nhiều quốc gia theo đuổi trong bối cảnh hiện nay.

Ukraine khát Patriot, Mỹ cũng “cạn kho”

Theo New York Times, tính đến năm 2025, Ukraine chỉ mới tiếp nhận khoảng 8 tổ hợp Patriot, con số khiêm tốn nếu so với quy mô lãnh thổ và cường độ tập kích từ Nga. Để đánh chặn một tên lửa đạn đạo, Ukraine thường phải sử dụng hai quả PAC-3 cùng lúc. Điều đó khiến ngay cả 10 quả tên lửa mà Mỹ viện trợ đầu tháng 7 cũng chỉ đủ dùng trong một vài đợt tấn công lớn.

tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 1
Hiện tại, số lượng tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 trên thế giới không còn nhiều

Ngày 9/7, Ukraine được cho là phải sử dụng tới 12 quả PAC-3 để đối phó với 6 tên lửa Kinzhal – mà vẫn không chắc chắn đã đánh chặn thành công toàn bộ. Thực trạng này khiến Tổng thống Zelensky nhiều lần kêu gọi phương Tây cấp thêm Patriot, thậm chí tuyên bố sẵn sàng mua hoặc sản xuất nếu được Mỹ cấp phép.

Tuy nhiên, Mỹ hiện cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Theo Guardian, chỉ còn khoảng 25% số lượng tên lửa Patriot đủ để đáp ứng nhu cầu của Lầu Năm Góc. Dây chuyền sản xuất hiện tại của Lockheed Martin chỉ cho ra khoảng 600 quả mỗi năm, trong khi phần lớn kho dự trữ đã được tiêu thụ tại Trung Đông.

Không chỉ Ukraine, nhiều đồng minh khác của Mỹ cũng đang thiếu hụt hệ thống phòng không và đạn tên lửa, khiến việc chia sẻ vũ khí trở thành một lựa chọn đầy cân nhắc.

Nguyên nhân gốc rễ: Hậu quả của cắt giảm ngân sách quốc phòng

Theo chuyên gia Frank Ledwidge từ Đại học Portsmouth (Anh), nguyên nhân sâu xa của tình trạng khan hiếm vũ khí hiện nay là do phương Tây đã cắt giảm chi tiêu quốc phòng trong nhiều thập niên, dẫn đến năng lực sản xuất không theo kịp nhu cầu thời chiến.

Việc đẩy mạnh sản xuất Patriot và các loại tên lửa đánh chặn khác đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn, thời gian và cả chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đặc thù – những yếu tố không thể tăng tốc trong “một sớm một chiều”.

Trong khi đó, theo một báo cáo quốc phòng, Iran – một đối thủ tiềm năng đã tích trữ hơn 1.000 tên lửa đạn đạo, đẩy Mỹ vào thế phòng thủ không chỉ tại châu Âu mà cả khu vực Thái Bình Dương.

"Không ai biết chính xác Mỹ còn lại bao nhiêu đạn tên lửa Patriot, và họ cũng không nên công bố điều đó", Ledwidge nói. "Nhưng rõ ràng Mỹ đang phải tính toán rất kỹ trước mỗi quyết định viện trợ vũ khí chiến lược như Patriot".

Bài toán chưa có lời giải

Dù Lockheed Martin tuyên bố đang “liên tục nâng cấp” hệ thống Patriot, trong ngắn hạn, vấn đề thiếu hụt vũ khí phòng thủ chiến lược vẫn chưa có lời giải rõ ràng. Mỗi quả tên lửa PAC-3 MSE hiện có giá khoảng 4 triệu USD/quả, là gánh nặng không nhỏ cho bất kỳ quốc gia nào muốn mua số lượng lớn.

Trong thời gian tới, việc củng cố hệ thống phòng không sẽ phụ thuộc vào sự phối hợp giữa năng lực sản xuất, chiến lược phân bổ và mức độ sẵn sàng chia sẻ từ các nước sở hữu. Với Ukraine, đó không chỉ là nhu cầu quốc phòng, mà còn là yếu tố then chốt để bảo vệ hạ tầng dân sự và khả năng phục hồi sau chiến tranh.

Chí Vỹ