Chính sách - Đầu tư

TP.HCM đẩy mạnh xây dựng 2 tuyến metro "huyết mạch" hơn 97.000 tỷ đồng, tổng chiều dài 50,8km

Chí Vỹ 17/07/2025 10:40

TP.HCM nhận kiến nghị về việc đầu tư hai tuyến metro mới kết nối với Bình Dương cũ.

Tuyến metro số 1: Từ TP mới Bình Dương đến Suối Tiên

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM vừa có kiến nghị khẩn gửi UBND TP.HCM về việc giao nhiệm vụ và bố trí nguồn vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư hai tuyến metro kết nối giữa TP.HCM và khu vực Bình Dương cũ. Đây là động thái mới nhất trong bối cảnh Luật Đường sắt sửa đổi 2025 vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, mở ra hành lang pháp lý mới cho các địa phương chủ động phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Trong đó, tuyến metro số 1 (TP mới Bình Dương – Suối Tiên) được quy hoạch dài hơn 29km, toàn bộ đi trên cao, với 17 nhà ga và kết nối trực tiếp vào điểm cuối tuyến metro số 1 hiện hữu (Bến Thành – Suối Tiên). Tổng mức đầu tư dự kiến là 46.725 tỉ đồng.

tuyến metro số 1 (TP mới Bình Dương – Suối Tiên)
TP.HCM đang đẩy mạnh quá trình đầu tư các tuyến metro đô thị

Điểm đặc biệt của dự án là việc sử dụng chung depot Long Bình – cơ sở bảo dưỡng tàu metro số 1 của TP.HCM, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư và vận hành. Đây cũng là tuyến đóng vai trò liên kết không gian đô thị giữa TP Thủ Đức và TP mới Bình Dương – hai khu vực có tốc độ đô thị hóa cao nhất phía Nam hiện nay.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, dự án này đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và trình Chính phủ. Sau đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng, với thẩm quyền được ủy quyền từ Thủ tướng, ký tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội xem xét.

Tuy nhiên, theo Luật Đường sắt sửa đổi 2025, tuyến metro số 1 hiện không cần thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư như trước, nhờ những thay đổi mang tính phân quyền cho địa phương.

Tuyến metro số 2: Từ Thủ Dầu Một đến Hiệp Bình Phước

Tuyến metro số 2 (Thủ Dầu Một – Hiệp Bình Phước) có chiều dài hơn 21,8km, cũng được thiết kế toàn bộ trên cao với tổng mức đầu tư khoảng 50.425 tỉ đồng. Tuyến đi qua 13 nhà ga và sử dụng depot chung với tuyến metro số 3 tại khu vực Hiệp Bình Phước, nay là phường Hiệp Bình, TP.Thủ Đức.

Hiện dự án này mới chỉ hoàn tất khâu thẩm định nội bộ tại địa phương, chưa trình quyết định chủ trương đầu tư. Nhưng với hiệu lực của Luật Đường sắt 2025, tuyến metro số 2 cũng được miễn thủ tục này – một thay đổi giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị và tạo thuận lợi trong việc sớm đưa dự án vào giai đoạn triển khai cụ thể.

Với việc xác định đây là các dự án đường sắt đô thị mang tính liên kết vùng và phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development), Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM kiến nghị UBND TP giao nhiệm vụ tổ chức lập, thẩm định và quyết định đầu tư. Đồng thời, đề xuất cấp trước mỗi dự án 10 tỉ đồng để triển khai công tác chuẩn bị từ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021–2025 và kế hoạch năm 2025.

Quy hoạch tổng thể và hướng tiếp cận mới trong phát triển metro

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM và vùng phụ cận dài khoảng 1.012km. Trong đó, TP.HCM có 12 tuyến với chiều dài khoảng 582km, Bình Dương có 12 tuyến dài khoảng 305km, và Bà Rịa – Vũng Tàu có 3 tuyến dài khoảng 125km.

Hai tuyến metro nói trên không chỉ nhằm giảm áp lực hạ tầng giao thông cho TP.HCM, mà còn phù hợp với chiến lược phát triển đô thị vùng TP.HCM, tạo điều kiện hình thành các trung tâm vệ tinh gắn kết thông suốt về hạ tầng. Đây cũng là các dự án tiên phong thí điểm những cơ chế mới của Luật Đường sắt sửa đổi 2025 – vốn trao quyền nhiều hơn cho địa phương trong việc đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Tuy nhiên, dù đã có hành lang pháp lý mới, việc sớm triển khai thực hiện vẫn phụ thuộc vào khả năng phân bổ vốn, năng lực điều phối giữa các tỉnh thành và sự đồng thuận trong quy hoạch không gian đô thị xuyên biên giới hành chính. Việc phát triển metro hiện không chỉ là câu chuyện nội tại của TP.HCM mà đã mở rộng thành bài toán về liên kết vùng.

Chí Vỹ