Góc chuyên gia

Gỡ room tín dụng: Cơ hội mới cho ngân hàng, chứng khoán và bất động sản?

Nguyễn Đăng 16/07/2025 15:12

Việc từng bước gỡ bỏ room tín dụng không chỉ thay đổi cách điều hành chính sách mà còn mở ra kỳ vọng cho nhiều nhóm ngành trên thị trường.

Tại tọa đàm “Gỡ bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng – Lộ trình phù hợp cho phát triển bền vững” do VTV tổ chức, các chuyên gia tài chính và đại diện thị trường đã cùng phân tích sâu về xu hướng chuyển đổi trong điều hành tín dụng tại Việt Nam. Trong đó, việc dỡ bỏ hạn mức tín dụng – hay còn gọi là “room tín dụng” – được nhận định là bước đi tất yếu trong tiến trình hiện đại hóa chính sách tiền tệ, nhưng đồng thời cũng cần được thực hiện thận trọng, có kiểm soát và lộ trình rõ ràng.

tiến sĩ Nguyễn Đức Độ
Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính chia sẻ tại
Toạ đàm: Gỡ bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng - lộ trình phù hợp và phát triển bền vững

Trong công điện số 104 ban hành đầu tháng 7/2025, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm chấm dứt cơ chế điều hành tín dụng mang tính hành chính, chuyển sang đánh giá và phân bổ tín dụng dựa trên rủi ro, năng lực tài chính và hệ thống tiêu chí minh bạch. Đây là bước chuyển lớn, có thể mở rộng không gian tín dụng cho nền kinh tế nhưng đồng thời cũng đặt ra bài toán cân bằng giữa tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định hệ thống ngân hàng.

Từ “van điều tiết” đến động lực mới cho điều hành tín dụng

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, room tín dụng ra đời vào khoảng năm 2012, trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua giai đoạn tín dụng tăng trưởng nóng, lạm phát vượt 20% và tỷ lệ nợ xấu tăng vọt. Cơ chế này được sử dụng như một “van điều tiết” để kiểm soát tổng lượng tín dụng bơm ra nền kinh tế hàng năm, đồng thời phân bổ hạn mức cụ thể cho từng ngân hàng thương mại dựa trên sức khỏe tài chính và năng lực quản trị.

Giai đoạn 2015–2023, room tín dụng đã góp phần giữ lạm phát ổn định quanh mức 3%, giúp Ngân hàng Nhà nước điều tiết hiệu quả cung tiền và kiểm soát dòng vốn vào các lĩnh vực có rủi ro cao. Tuy nhiên, cơ chế “xin – cho” này dần bộc lộ nhiều bất cập như thiếu minh bạch trong tiêu chí phân bổ, hạn chế quyền tự chủ của ngân hàng, và không còn phù hợp trong môi trường điều hành thị trường ngày càng phát triển.

Từ năm 2024, NHNN đã có những bước đi cụ thể để thay đổi. Chỉ tiêu tín dụng bắt đầu được giao cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm, thay vì chia nhỏ theo quý như trước. Năm 2025, hạn mức tín dụng chính thức được gỡ bỏ đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Hiện tại, cơ chế này chỉ còn áp dụng với các ngân hàng thương mại trong nước và dự kiến cũng sẽ được xóa bỏ theo lộ trình phù hợp.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng bỏ room tín dụng không đồng nghĩa với thả nổi. Việc chuyển sang cơ chế thị trường cần đi kèm với hệ thống giám sát rủi ro theo thời gian thực, nâng cao kỷ luật thị trường và sử dụng linh hoạt các công cụ như lãi suất điều hành, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay nghiệp vụ thị trường mở. Hệ thống ngân hàng cũng cần được củng cố bằng việc giảm tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn, ứng dụng công nghệ vào quản trị và minh bạch hóa hoạt động tín dụng.

Ngành nào sẽ hưởng lợi từ việc bỏ room tín dụng?

Từ góc nhìn thị trường, ông Lưu Chí Kháng – Trưởng phòng Tự doanh tại Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam – cho rằng việc bỏ room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng mở rộng đáng kể không gian tăng trưởng, từ đó kích thích chu kỳ tăng trưởng mới trong toàn bộ nền kinh tế. Các nhóm ngành sẽ được hưởng lợi theo từng giai đoạn và chu kỳ truyền dẫn dòng vốn.

Đầu tiên, nhóm ngân hàng sẽ là hưởng lợi trực tiếp và nhanh nhất. Khi không còn bị giới hạn bởi trần tín dụng, các ngân hàng có thể chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh, tối ưu hóa danh mục cho vay và cải thiện biên lợi nhuận. Ngoài ra, khả năng chủ động hơn về tăng trưởng tín dụng còn giúp ngân hàng tăng sức cạnh tranh, thay vì phụ thuộc vào phân bổ chỉ tiêu.

Tiếp theo là nhóm bảo hiểm, hưởng lợi từ môi trường lãi suất ổn định và dòng vốn đầu tư tích cực hơn. Các ngành xây dựng và vật liệu xây dựng cũng được kỳ vọng tăng trưởng nhờ dòng vốn tín dụng được đẩy mạnh vào các dự án cơ sở hạ tầng, nhà ở và bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực. Khi nền kinh tế vận hành mạnh mẽ hơn, các ngành này có thể bứt tốc đáng kể.

Ở giai đoạn sau của chu kỳ nới tín dụng, thị trường sẽ ghi nhận sự bứt phá của nhóm chứng khoán, nhờ dòng tiền dồi dào hơn, thanh khoản thị trường tăng và tâm lý nhà đầu tư được cải thiện. Theo ông Kháng, điều này đã từng diễn ra rõ nét trong các chu kỳ tín dụng tăng trưởng mạnh, như giai đoạn 2015–2017.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nếu dòng vốn không được kiểm soát và định hướng rõ ràng, nguy cơ dòng tiền chảy vào đầu cơ tài sản sẽ quay trở lại. Việc ưu tiên tín dụng cho sản xuất, tiêu dùng thiết yếu, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được giữ vững trong mọi kịch bản điều hành. Việc gỡ room chỉ thực sự hiệu quả khi đi kèm kỷ luật thị trường mạnh mẽ và hệ thống giám sát hiệu quả.

Cân bằng giữa tự do tín dụng và kỷ luật thị trường

Tọa đàm kết luận rằng việc bỏ room tín dụng là một quyết sách phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế và lộ trình cải cách điều hành tiền tệ của Chính phủ. Tuy nhiên, đây không phải là sự “cởi trói hoàn toàn”, mà là chuyển giao trách nhiệm nhiều hơn cho các ngân hàng, với điều kiện đi kèm là giám sát chặt chẽ, hạ tầng pháp lý và công nghệ quản lý rủi ro đồng bộ.

Nếu được thực hiện bài bản, gỡ bỏ room tín dụng có thể đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong cách thức vận hành chính sách tiền tệ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững và hội nhập sâu hơn với chuẩn mực quốc tế.

Nguyễn Đăng