Ngay sau sáp nhập, Thanh Hóa đón siêu dự án "Thung lũng" hơn 5.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án có tổng vốn lên tới 200 triệu USD.
Dự án sản xuất gốm sứ quy mô lớn nhất tại Thanh Hóa
Ngày 14/7, UBND tỉnh Thanh Hóa chính thức thông tin về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Lares Pte.Ltd (Singapore) triển khai dự án Thung lũng gốm sứ ASEAN Việt Nam tại Cụm công nghiệp Vạn Thắng Yên Thọ. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 5.139 tỷ đồng, tương đương 200 triệu USD và được chia thành ba giai đoạn triển khai từ nay đến năm 2030.

Đây là một trong những dự án sản xuất gốm sứ có quy mô lớn nhất cả nước hiện nay, với mục tiêu xây dựng tổ hợp sản xuất gốm sứ sinh hoạt, gốm sứ công nghiệp và thiết bị vệ sinh. Công suất thiết kế của dự án đạt 120 triệu sản phẩm mỗi năm, hướng đến xuất khẩu và phục vụ thị trường nội địa.
Dự án được triển khai theo 3 giai đoạn cụ thể:
- Giai đoạn 1: Đầu tư hơn 84,6 triệu USD, dự kiến hoàn thành chậm nhất vào quý II/2027.
- Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư hơn 100 triệu USD, hoàn thành trong quý III/2028.
- Giai đoạn 3: Khoảng 10,8 triệu USD, hoàn thành chậm nhất quý II/2030.
Ngoài ra, phần vốn chuẩn bị đầu tư là 4,3 triệu USD. Nguồn vốn thực hiện gồm 20% vốn góp của nhà đầu tư (40 triệu USD) và 80% là vốn huy động hợp pháp (160 triệu USD).
Vị trí chiến lược và diện tích sử dụng
Dự án được triển khai trên diện tích 322.345 m² (hơn 32 ha), nằm trên địa bàn xã Nông Cống và xã Yên Thọ. Đây là khu vực thuộc cụm công nghiệp được quy hoạch, có kết nối hạ tầng thuận lợi, phù hợp để phát triển công nghiệp vật liệu và xuất khẩu.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày 12/6/2025, theo Quyết định số 1872/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Công ty Lares Pte.Ltd, chủ đầu tư dự án, được cấp giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp tại Singapore ngày 23/4/2025, có trụ sở tại 112 Robinson Road, Singapore.
Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư sau khi hoàn tất thủ tục từ ngày 19/6/2025 và bổ sung hồ sơ ngày 26/6/2025. Hồ sơ đã được thẩm định, chấp thuận từ các cơ quan liên quan như:
Sở Nông nghiệp & Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Khoa học & Công nghệ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, UBND huyện Nông Cống và UBND huyện Như Thanh (cũ).
Nhà đầu tư có trách nhiệm góp vốn và huy động vốn đúng tiến độ, chỉ được thi công xây dựng sau khi hoàn thiện đầy đủ thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng theo đúng quy định pháp luật.
Dự án sản xuất các sản phẩm thuộc mã ngành VSIC 2392 và 2393, bao gồm gốm sứ dùng trong sinh hoạt và thiết bị vệ sinh. Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ được triển khai sau khi đáp ứng đủ giấy phép và quy định pháp lý.
Nhà đầu tư cũng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, kế toán, chứng từ và có thể được hưởng các ưu đãi đầu tư theo pháp luật, nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện...