Kiến thức

Để hạn chế xe xăng vào đô thị, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã làm gì?

Tuấn Anh 15/07/2025 10:17

Từ châu Âu đến châu Á, nhiều quốc gia đã bắt đầu hạn chế hoặc cấm hoàn toàn xe xăng lưu thông tại khu vực trung tâm đô thị, hướng đến tương lai không phát thải.

Hạn chế xe xăng là xu hướng toàn cầu

Từ tháng 7/2026, khu vực Vành đai 1 tại Hà Nội sẽ triển khai hạn chế xe máy sử dụng động cơ xăng. Đây là một phần trong lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng sống tại các đô thị lớn.

Việc hạn chế xe xăng không phải là xu hướng riêng của Việt Nam mà đang được rất nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển triển khai với các mức độ khác nhau.

Giao thông singapore
Các quốc gia trên thế giới cấm xe xăng như thế nào?

Kinh nghiệm quốc tế

Tại nhiều quốc gia, thay vì sử dụng rào chắn vật lý, chính phủ thường áp dụng các biện pháp công nghệ và quy định mềm để kiểm soát xe xăng vào trung tâm.

Ví dụ tại London (Anh), hệ thống camera ANPR (Automatic Number Plate Recognition) giúp nhận diện xe không đạt chuẩn khí thải và tự động tính phí lên tới 12,5 GBP/ngày (gần 17 USD). Ở Madrid (Tây Ban Nha), các chốt kiểm soát được đặt ở các trục đường chính, nhằm giới hạn lượng xe động cơ đốt trong.

Hệ thống camera ANPR ở London
Hệ thống camera ANPR ở London

Trung Quốc lại đi theo hướng kiểm soát cứng hơn. Tại các thành phố như Thâm Quyến hay Bắc Kinh, chính phủ thiết lập các trạm kiểm tra với barrier và nhân viên an ninh. Các xe không có giấy phép xanh (tức không phải xe điện) bị cấm di chuyển vào trung tâm trong những khung giờ không được phép.

Mặc dù các biện pháp này giúp quản lý phương tiện hiệu quả hơn, chúng cũng tạo ra thách thức cho người dân sinh sống và làm việc tại khu vực chịu kiểm soát, từ đó đặt ra yêu cầu về các chính sách hỗ trợ hợp lý.

Một chiến lược phổ biến khác là sử dụng hệ thống thuế để điều tiết hành vi tiêu dùng. Na Uy là một ví dụ điển hình. Dù chưa chính thức cấm xe xăng, quốc gia này đã áp thuế rất cao lên xe phát thải, đồng thời miễn toàn bộ thuế VAT cho xe điện.

na uy xe điện
Số lượng xe điện tại Na Uy còn nhiều hơn xe xăng theo thống kê năm 2024

Trước năm 2023, người dân mua xe điện tại Na Uy không phải trả thuế giá trị gia tăng 25%, và còn được miễn phí đăng ký lần đầu, phí cầu đường, phà, đỗ xe… Ngược lại, các xe sử dụng động cơ đốt trong bị đánh thuế theo mức phát thải CO₂, khiến tổng giá xe có thể tăng gấp đôi.

Chẳng hạn, chiếc Toyota RAV4 bản động cơ 2.5L có giá gốc 43.000 USD, nhưng sau thuế có thể lên đến 65.000 USD. Trong khi đó, xe điện Tesla Model Y AWD vẫn giữ nguyên giá lăn bánh khoảng 53.000 USD, tạo nên động lực lớn cho người tiêu dùng lựa chọn phương tiện thân thiện với môi trường.

Không cấp biển số, không gia hạn đăng kiểm cho xe xăng

Một biện pháp cứng rắn hơn là chấm dứt cấp mới hoặc gia hạn đối với các xe sử dụng động cơ đốt trong.

Singapore áp dụng hệ thống COE (Certificate of Entitlement), cho phép xe cá nhân lưu thông trong 10 năm. Sau thời gian này, nếu là xe chạy xăng hoặc dầu, sẽ không được gia hạn. Từ năm 2030, quốc đảo này sẽ dừng toàn bộ việc đăng ký mới cho các mẫu xe động cơ đốt trong.

Hà Lan cũng đặt mục tiêu tương tự. Sau năm 2030, chỉ có xe không phát thải mới được đăng ký. Các thành phố lớn như Amsterdam, Rotterdam đã bắt đầu hạn chế cấp phép mới cho xe xăng.

Tại Trung Quốc, nhiều địa phương đã ngừng cấp biển số cho xe xăng từ cách đây 1–2 năm, trong khi tăng mạnh sản lượng xe điện và xây dựng hạ tầng trạm sạc nhanh.

Tuấn Anh