Chính sách - Đầu tư

Đường sắt cao tốc Bắc – Nam bước vào giai đoạn nóng, tỉnh lớn nhất Việt Nam có chỉ đạo quyết liệt về việc đầu tư

Nguyễn Trang 14/07/2025 14:54

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh này đang được chính quyền địa phương triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết liệt.

Giao nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ vai trò địa phương

Sáng 14/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Hồng Hải đã chủ trì cuộc họp về triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phục vụ Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam đoạn đi qua địa bàn tỉnh. Cuộc họp nằm trong chuỗi hành động cấp bách nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia.

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp tại Lâm Đồng

Phó Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh, đây là dự án lớn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, có vai trò động lực đối với sự phát triển lâu dài. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là các cơ quan, địa phương liên quan cần vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, tránh chậm trễ trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý Dự án đầu tư công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (Ban QLDA số 2) làm chủ đầu tư các khu tái định cư. Đặc biệt, khu TĐC Hàm Kiệm dự kiến sẽ là nơi diễn ra lễ khởi công đầu tiên, được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ rà soát, hoàn tất hồ sơ để báo cáo tỉnh chậm nhất vào ngày 24/7/2025.

Quy mô giải phóng mặt bằng lớn, hơn 1.100 hộ cần tái định cư

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa phận Lâm Đồng có chiều dài 156,5 km, gồm 2 nhà ga chính (Ga Phan Rí và Ga Phan Thiết), 4 trạm bảo dưỡng, với 936 ha diện tích cần giải phóng mặt bằng.

Đường sắt cao tốc qua Lâm Đồng
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi qua Lâm Đồng sẽ trải dải dài qua diện tích rất lớn (tập trung trên địa phận tỉnh Bình Thuận cũ)

Dự án đi qua 18 xã, phường thuộc nhiều địa bàn như Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận… Trong tổng số 1.150 hộ dân chịu ảnh hưởng, có 45 hộ sẽ được bố trí vào các khu dân cư hiện hữu, trong khi 1.105 hộ còn lại cần xây dựng mới 9 khu dân cư tái định cư. Tổng diện tích quy hoạch cho các khu này là 28,47 ha với 1.465 lô đất, dự kiến sử dụng 447 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Tại cuộc họp, đại diện các sở ngành và địa phương đã thống nhất cơ bản các nội dung triển khai. Tuy nhiên, một số vướng mắc vẫn tồn tại, trong đó có tình trạng nhiều địa phương chưa có quỹ đất công, hoặc quy hoạch khu TĐC chưa hoàn thiện. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức ngay công tác kiểm kê đất đai, xác định ranh giới dự án, xây dựng phương án thu hồi đất và đề xuất nguồn vốn.

Hướng tới khởi công đúng tiến độ và quản lý đất chặt chẽ

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng Sở Nội vụ để tham mưu thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc GPMB Dự án, đồng thời hướng dẫn các địa phương về quy trình, thủ tục tái định cư. Sở Tài chính được giao nhiệm vụ rà soát và đảm bảo nguồn vốn để triển khai các khu TĐC.

Một trong những yêu cầu trọng tâm là kiểm soát tình trạng trồng cây, xây dựng trái phép trên đất quy hoạch. Chính quyền các xã, phường nơi dự án đi qua phải có biện pháp quản lý đất đai chặt chẽ, ngăn ngừa tình trạng trục lợi từ thông tin quy hoạch, gây khó khăn cho công tác GPMB.

Cuộc họp cũng là bước cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, yêu cầu các địa phương hoàn thành GPMB và lựa chọn các vị trí quan trọng để tổ chức lễ khởi công các khu tái định cư vào ngày 19/8/2025.

Nguyễn Trang