Chính sách - Đầu tư

Lộ trình dừng xe máy xăng ở Hà Nội: Cơ hội thúc đẩy giao thông bền vững

Tuấn Anh 14/07/2025 10:30

Yêu cầu dừng xe máy chạy xăng trong khu vực Vành đai 1 Hà Nội từ 1/7/2026 được đánh giá là bước đi đúng nhằm cải thiện chất lượng không khí đô thị.

Vấn đề ô nhiễm và áp lực từ giao thông cá nhân

Hà Nội là địa phương có mức độ ô nhiễm môi trường không khí tại một số thời điểm trong năm thuộc nhóm cao trên thế giới. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là lượng khí thải từ phương tiện giao thông, chiếm đến 70% tổng lượng bụi mịn và khí độc hại trong đô thị.

Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Thủ đô hiện có trên 7 triệu xe máy, trong khi cơ quan chức năng thành phố cho biết con số thực tế có thể lên tới hơn 8 triệu phương tiện, bao gồm gần 1,5 triệu ô tô.

Cấm xe máy chạy xăng
Hà Nội sẽ cấm xe máy chạy xăng trong Vành đai 1 vào năm 2026

Trong khi tốc độ tăng trưởng phương tiện cá nhân lên đến 4,5%/năm, thì hạ tầng giao thông chỉ mở rộng chưa đầy 0,3% mỗi năm. Điều này tạo ra áp lực lớn lên không gian đô thị, hệ thống giao thông và chất lượng môi trường.

Để từng bước giải quyết tình trạng này, Chỉ thị số 20 do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ngày 12/7/2025 yêu cầu: từ 1/7/2026, xe mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ dừng lưu thông trong phạm vi Vành đai 1 Hà Nội.

Đây được xem là động thái cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính.

Hạ tầng, chính sách và sự đồng thuận

Nhiều chuyên gia giao thông, môi trường và đại biểu Quốc hội đều cho rằng việc cấm xe máy chạy xăng là bước đi đúng đắn, song cần đi kèm với lộ trình và hệ thống hỗ trợ tương ứng. PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, Hà Nội muốn thực hiện hiệu quả chính sách này phải đảm bảo ba yếu tố then chốt:

Hỗ trợ tài chính cho người dân: Xe máy vẫn là phương tiện mưu sinh chính của đa số người dân, từ công chức, sinh viên đến lao động tự do. Do đó, việc chuyển đổi sang xe điện cần có chính sách hỗ trợ như trợ giá, giảm lãi suất vay hoặc chương trình đổi xe có trợ cấp.

Phát triển trạm sạc điện: Cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông điện, đặc biệt là trạm sạc công cộng, hiện còn rất hạn chế. Hà Nội cần khẩn trương xây dựng mạng lưới trạm sạc rộng khắp, không độc quyền cổng sạc để tạo điều kiện cho người dân lựa chọn đa dạng phương tiện.

Tăng cường phương tiện công cộng xanh: Để giảm phụ thuộc vào xe cá nhân, thành phố phải đồng thời phát triển các tuyến buýt điện, metro, xe đạp công cộng. Các điểm gửi xe, trung chuyển quanh Vành đai 1 cần bố trí hợp lý, thuận tiện cho việc di chuyển nối tuyến.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng nhận định, nguy cơ cháy nổ, quá tải điện tại các chung cư khi người dân tự sạc xe điện tại nhà là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm. Việc quy hoạch hệ thống điện an toàn, khuyến khích sạc tại trạm công cộng cũng cần được tính toán trong tổng thể chính sách.

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh từng cho biết tại kỳ họp HĐND tháng 12/2024 rằng thành phố đang xây dựng chương trình hỗ trợ đổi xe, bao gồm giảm giá vốn vay để khuyến khích người dân dùng xe điện.

Mặt khác, việc cấm xe máy chạy xăng trong Vành đai 1, tuyến đường dài khoảng 15 km đi qua trung tâm Hà Nội cũng đặt ra yêu cầu về tính đồng bộ trong quy hoạch đô thị. Đây là khu vực tập trung nhiều cơ quan, trường học, khu dân cư cũ, chợ truyền thống… Việc hạn chế phương tiện tại đây cần đảm bảo không gây xáo trộn đời sống, đặc biệt với nhóm thu nhập thấp.

Tuấn Anh