Mô hình mới

Sống giữa sương mù, ngủ dưới lán rừng, nông dân Thanh Hóa đang gieo hy vọng từ thứ "đặc sản Tây Bắc", mở ra cơ hội làm giàu mới

Tuấn Anh 14/07/2025 5:30

Nông dân Thanh Hóa đang chăm sóc giống cây đặc sản mới, mở ra hướng làm kinh tế bền vững cho người dân miền núi.

Sống cùng rừng, làm kinh tế từ rừng

Trên dãy Pù Rinh cao 1.200 mét thuộc xã Linh Sơn, tỉnh Thanh Hóa có những nông dân vẫn ngày ngày sống dưới tán rừng, dựng lán, đun bếp và chăm cây dược liệu. Họ không chỉ là người bảo vệ rừng, mà còn là những người đi tiên phong trong mô hình kinh tế rừng bền vững.

Một trong những người như thế là bác Vũ Thị Tú, sinh năm 1964, từ xã Thường Xuân. Gắn bó với rừng đã hàng chục năm, bác Tú cùng chồng hiện đang chăm sóc các luống sâm Lai Châu do Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Lang Chánh triển khai thử nghiệm. Bác Tú cho biết, để trồng tốt cây sâm cần hiểu rõ đặc tính từng loại: sâm Lai Châu ưa ẩm, khôi tía cần nắng nhẹ, còn sâm cau phải thường xuyên phát quang.

Bác Vũ Thị Tú (bên trái) say sưa nói về kĩ thuật trồng, chăm sóc cây sâm Lai Châu
Bác Vũ Thị Tú (bên trái) say sưa nói về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm Lai Châu

Cùng chung công việc là bác Ngân Văn Phúc – người dân xã Linh Sơn. Ông Phúc kể lại những ngày mưa dài, quần áo không khô, giường ngủ phải che áo mưa, lũ về cô lập toàn bộ khu rừng. Dẫu khó khăn, ông vẫn quyết gắn bó: “Chỉ cần thấy cây lớn, đơm hoa là thấy công sức bỏ ra không uổng”.

Mô hình kinh tế rừng từ sâm và dược liệu quý

Theo anh Trần Văn Hải – Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 4, người đã đề xuất và triển khai mô hình trồng dược liệu, mục tiêu không chỉ là giữ rừng mà còn phải giúp nông dân sống được bằng rừng. Anh Hải nhận thấy rằng khí hậu mát mẻ, sương phủ quanh năm, đất rừng còn nguyên sinh là điều kiện lý tưởng để trồng các loại dược liệu quý như sâm Lai Châu, khôi tía, sâm cau.

Ông Ngân Văn Phúc bên những luống sâm Lai Châu
Ông Ngân Văn Phúc bên những luống sâm Lai Châu

Sau một năm thử nghiệm, hiện có khoảng 1 ha sâm Lai Châu, 1,5 ha sâm cau và nhiều khôi tía đang phát triển tốt. Một số cây sâm 3–4 năm tuổi, được đưa từ Lai Châu về, đã bắt đầu nở hoa – dấu hiệu cho thấy sự thích nghi và phát triển bền vững.

Mỗi hộ nhận khoán rừng được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, như sử dụng thuốc sinh học, vôi pha loãng xử lý sâu bệnh, đảm bảo quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Mô hình bước đầu cho thấy hiệu quả và sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới.

Kết hợp bảo tồn rừng và phát triển du lịch

Theo định hướng từ Ban Quản lý rừng và chính quyền địa phương, mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng không chỉ phục vụ sản xuất, mà còn tạo nền tảng cho phát triển du lịch sinh thái. Cụ thể, sản phẩm từ cây sâm Lai Châu, sâm cau, khôi tía sẽ kết hợp với khu du lịch sinh thái thác Ma Hao (xã Trí Nang) để hình thành chuỗi sản phẩm địa phương.

Việc bảo tồn tài nguyên rừng, kết hợp khai thác kinh tế một cách hợp lý, là hướng đi phù hợp với các vùng miền núi như Thanh Hóa – nơi hơn 90% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Hiện mô hình không chỉ cung cấp nguồn thu nhập bổ sung cho nông dân, mà còn giúp giảm áp lực khai thác rừng tự nhiên, từng bước thay đổi nhận thức về cách làm kinh tế gắn với môi trường, sinh thái và bản sắc văn hóa địa phương.

Tuấn Anh