Trung Quốc tăng tốc mở rộng hệ thống đường sắt cao tốc tới nhiều nước
Trung Quốc đang đưa đường sắt cao tốc trở thành công cụ chiến lược trong thời gian tới.
Đường sắt cao tốc: “mũi nhọn” của Sáng kiến Vành đai và Con đường
Tại Đại hội Đường sắt cao tốc thế giới lần thứ 12 tổ chức ở Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Khánh khẳng định nước này sẽ đẩy mạnh cả “kết nối cứng” về hạ tầng lẫn “kết nối mềm” về tiêu chuẩn trong lĩnh vực đường sắt cao tốc để hiện thực hóa Sáng kiến Vành đai và Con đường. Không chỉ đơn thuần là dự án giao thông, đường sắt cao tốc đang được Trung Quốc định vị là một công cụ chiến lược để mở rộng ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị.

Theo ông Trương, Bắc Kinh cam kết tiếp tục hỗ trợ các quốc gia đối tác không chỉ về xây dựng hạ tầng mà còn trong đào tạo kỹ năng, vận hành và chuyển giao công nghệ đường sắt. Đây là cách để “mang lại lợi ích thiết thực cho người dân” tại những quốc gia tham gia vào các dự án do Trung Quốc đầu tư.
Một trong những điểm nhấn là dự án đường sắt Hungary – Serbia, lần đầu tiên đánh dấu sự hiện diện của đường sắt cao tốc Trung Quốc tại châu Âu. Tuyến đường này nối Budapest (Hungary) và Belgrade (Serbia), với phần tại Serbia đã đi vào hoạt động từ năm 2022. Dự kiến toàn tuyến sẽ hoàn thành năm 2026. Tuy nhiên, dự án cũng gặp phải sự giám sát chặt chẽ từ Liên minh châu Âu do lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tại Đông Nam Á, tuyến Trung Quốc – Thái Lan cũng đang bước sang giai đoạn hai. Dự kiến hoàn thành vào năm 2030, dự án đã trễ gần một thập kỷ so với kế hoạch do vướng mắc về tài chính, thiết kế và tác động của đại dịch COVID-19. Dẫu vậy, nó vẫn được xem là dự án biểu tượng cho hợp tác hạ tầng trong khu vực.
Kết nối xuyên lục địa và định hình lại thương mại
Một dự án đáng chú ý khác là tuyến Trung Quốc – Kyrgyzstan – Uzbekistan, đã chính thức khởi công sau nhiều năm trì hoãn. Tuyến đường dài 304 km này sẽ đóng vai trò như một hành lang vận tải then chốt kết nối Tây Bắc Trung Quốc với Trung Á, và xa hơn là châu Âu và Trung Đông.
Phó Thủ tướng Kyrgyzstan, ông Bakyt Torobayev, nhấn mạnh rằng tuyến đường sắt này sẽ thiết lập hành lang ngắn nhất giữa Đông và Tây, mở ra khả năng tiếp cận thị trường trực tiếp cho hàng hóa, đồng thời hình thành một “động mạch giao thông quan trọng” trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu biến động phức tạp.
Theo ông Trương Quốc Khánh, Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong quy hoạch, thiết kế, sản xuất thiết bị và quản lý vận hành đường sắt cao tốc với các quốc gia đối tác. Đây không chỉ là sự hợp tác về công nghệ mà còn là cách để Bắc Kinh chuẩn hóa mô hình phát triển hạ tầng theo tiêu chuẩn riêng, qua đó mở rộng ảnh hưởng mềm.
Tăng tốc hợp tác và mở rộng ảnh hưởng toàn cầu
Tính đến cuối năm 2024, Trung Quốc đã xây dựng 48.000 km đường sắt cao tốc, chiếm hơn 70% tổng chiều dài ĐSCT toàn cầu. Với quy mô này, Trung Quốc không chỉ là quốc gia vận hành mạng lưới ĐSCT lớn nhất thế giới, mà còn là nhà cung cấp giải pháp tổng thể cho ngành đường sắt: từ lập quy hoạch, thiết kế, thi công, sản xuất đầu máy toa xe đến vận hành.
Theo ông Vương Lập Tân – Phó Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc, đến nay Trung Quốc đã hợp tác với hơn 40 quốc gia và khu vực tại châu Á, châu Âu, châu Phi và Bắc Mỹ trong lĩnh vực đường sắt. Một số dự án tiêu biểu đã hoàn thành như tuyến Trung Quốc – Lào và tuyến Jakarta – Bandung ở Indonesia.
Các tuyến đường này không chỉ phục vụ nhu cầu vận tải mà còn đóng vai trò định hình lại không gian thương mại, rút ngắn thời gian vận chuyển và tăng tính kết nối giữa các thị trường khu vực với Trung Quốc.
Dưới góc nhìn chiến lược, sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới ĐSCT giúp Trung Quốc gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hỗ trợ chiến lược xuất khẩu thiết bị công nghệ cao và củng cố vai trò đầu tàu trong khuôn khổ hợp tác Vành đai và Con đường.