Tỉnh lớn thứ hai Việt Nam chi hơn 1.000 tỷ để di dời 4.435 hộ dân, nhường đất cho dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam
Tỉnh lớn thứ hai Việt Nam sau sáp nhập đang gấp rút chuẩn bị công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa bàn tỉnh.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam là công trình hạ tầng trọng điểm cấp quốc gia, với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 1.545 km, kết nối xuyên suốt từ Hà Nội đến TP.HCM. Riêng đoạn đi qua địa phận tỉnh Gia Lai có chiều dài trên 115 km, bắt đầu từ phường Hoài Nhơn Bắc (giáp ranh tỉnh Quảng Ngãi) và kết thúc tại phường Quy Nhơn Tây (giáp tỉnh Đắk Lắk).
Với quy mô lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn hộ dân, công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống khu tái định cư đã được tỉnh Gia Lai đặc biệt chú trọng.

Theo thông tin mới nhất trên báo Thanh Niên, ngày 12/7, ông Ngô Tùng Sơn – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Gia Lai, cho biết đơn vị đã khẩn trương cử các cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống hiện trường để tiến hành khảo sát, đo đạc và kiểm đếm khối lượng tài sản bị ảnh hưởng. Quá trình này được triển khai liên tục, kể cả vào ngày thứ bảy và chủ nhật nhằm đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã hoàn tất việc cắm mốc tại 4 khu tái định cư đầu tiên, bao gồm: thôn Hy Văn (phường Hoài Nhơn Bắc, trước đây thuộc thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định); thôn Tân Lập 4 (xã An Nhơn Tây) và khu Nhơn Thọ (phường An Nhơn Nam, trước đây thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định); khu Tây Vinh (xã Bình An, trước đây thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Trong số này, khu tái định cư Tây Vinh đã hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất theo đúng quy định.
Mỗi khu tái định cư có diện tích khoảng 2 đến 3 ha, dự kiến sẽ bố trí chỗ ở cho từ 70 đến 100 hộ dân. Theo kế hoạch, 4 khu tái định cư đầu tiên sẽ được khởi công xây dựng trước ngày 19/8. Các khu còn lại đang trong quá trình lập quy hoạch và sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Ông Ngô Tùng Sơn cho biết thêm: “Chúng tôi đã đề nghị các địa phương khẩn trương lập hồ sơ, dự toán kinh phí giải phóng mặt bằng và gửi về Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Gia Lai trước ngày 15/7. Việc này nhằm tổng hợp, trình UBND tỉnh thẩm định, đảm bảo tiến độ GPMB được thực hiện đồng bộ trên toàn tuyến”.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Gia Lai, địa phương này dự kiến xây dựng 39 khu tái định cư và 6 khu cải táng nhằm phục vụ công tác di dời, giải phóng mặt bằng cho dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng trên toàn tỉnh ước khoảng 758 ha, trong đó có hơn 323 ha cần giải phóng mặt bằng, liên quan đến khoảng 4.435 hộ dân.
Tổng mức đầu tư cho công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu tái định cư được ước tính hơn 1.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, các khu tái định cư sẽ được bố trí liền kề với khu tái định cư của dự án đường cao tốc Bắc-Nam, tạo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị. Đây là điểm mới trong cách tiếp cận triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn, cho thấy quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc tối ưu hóa quỹ đất và hạn chế tối đa tác động đến đời sống người dân.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam không chỉ là đòn bẩy chiến lược cho phát triển hạ tầng giao thông quốc gia, mà còn mở ra cơ hội tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương tuyến đi qua. Tại tỉnh Gia Lai, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, thể hiện rõ quyết tâm đưa đại dự án về đích đúng tiến độ.
Từ 1/7/2025, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk là ba tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước sau sáp nhập.
Trong đó, tỉnh Lâm Đồng mới (được sáp nhập từ tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông và Bình Thuận cũ) rộng nhất với hơn 24.000km2, dân số 3,8 triệu.
Tỉnh Gia Lai mới (được hợp thành từ tỉnh Gia Lai, Bình Thuận cũ) rộng thứ hai với gần 22.000km2.
Tỉnh Đắk Lắk mới (gồm Đắk Lắk, Phú Yên cũ), rộng hơn 18.000km2, đứng thứ ba cả nước.