Chính sách - Đầu tư

Tỉnh có đường bờ biển dài nhất Việt Nam gấp rút “trải thảm” cho đường sắt cao tốc 67 tỷ USD

Chiến Thắng 12/07/2025 11:29

Tuyến đường sắt cao tốc với chiều dài gần 192km đi qua tỉnh này đang được chuẩn bị mặt bằng khẩn trương, với 2 ga lớn, 4 trạm bảo dưỡng và 2 depot chiến lược.

Gấp rút dọn đường, trả mặt bằng sạch

Là một trong những địa phương trọng điểm trên bản đồ kinh tế biển Việt Nam, tỉnh Khánh Hòa đang trở thành điểm nhấn đặc biệt trong hành trình hiện thực hóa dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

đường sắt cao tốc Bắc Nam đường bờ biển
Tỉnh Khánh Hòa khẩn trương lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Dự án đường sắt cao tốc trục Bắc – Nam đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024. Tuyến đường sắt dài 1.541 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), tổng mức đầu tư lên tới khoảng 67 tỷ USD. Dự kiến đi qua 15 tỉnh, thành phố sau sáp nhập.

Với chiều dài 191,8km đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đây là một trong những đoạn tuyến dài nhất của dự án, đồng thời là nơi hội tụ nhiều yếu tố chiến lược cả về vận tải hành khách lẫn logistics hàng hóa.

Theo quy hoạch sơ bộ, tuyến đường sắt sẽ bắt đầu từ xã Đại Lãnh (giáp tỉnh Đắk Lắk) và kết thúc tại xã Phước Hà (giáp tỉnh Lâm Đồng), băng qua các đô thị lớn như Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh… và nhiều xã, phường thuộc tỉnh Ninh Thuận cũ – nay đã sáp nhập về Khánh Hòa. Đáng chú ý, tuyến sẽ đi qua 29 xã, phường, đồng nghĩa với một khối lượng công việc khổng lồ trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.

UBND tỉnh Khánh Hòa đang khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị, đặc biệt là xác định ranh giới giải phóng mặt bằng tại các vị trí quan trọng như nhà ga, depot, trạm bảo dưỡng. Sở Xây dựng được giao chủ trì lập hồ sơ ranh giới giải tỏa, khảo sát thực địa, từ đó phối hợp cùng các ban quản lý dự án đề xuất vị trí xây dựng các khu tái định cư phù hợp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam nhấn mạnh, công tác tái định cư không chỉ là bước khởi động kỹ thuật mà còn là yếu tố xã hội then chốt, bởi dự án đi qua nhiều khu dân cư hiện hữu. Ông yêu cầu các địa phương nhanh chóng thống kê số hộ bị ảnh hưởng, xác định quỹ đất tái định cư, đồng thời giao Văn phòng UBND tỉnh tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng, để tổ chức triển khai đồng bộ từ tỉnh đến xã.

Siêu depot, ga trung chuyển và kết nối logistics vùng kinh tế biển

Không chỉ đơn thuần là tuyến đường kết nối hành khách, đoạn tuyến đường sắt cao tốc qua tỉnh Khánh Hòa còn mang tính chất chiến lược về vận tải hàng hóa, với sự xuất hiện của ga hàng hóa tại xã Bắc Ninh Hòa – cửa ngõ kết nối trực tiếp với Khu kinh tế Vân Phong. Cùng với đó là hai Depot quan trọng: Depot Diên Khánh (xã Diên Điền), phục vụ đoạn Nha Trang – TP.HCM, và Depot Vân Phong, phục vụ tuyến tàu hàng Chu Lai – Vân Phong.

Tỉnh Khánh Hòa mới sở hữu đường bờ biển dài nhất cả nước
Tỉnh Khánh Hòa mới sở hữu đường bờ biển dài nhất cả nước

Hai ga hành khách chính là Diên Khánh (xã Diên Lạc) và Tháp Chàm (phường Bảo An), được quy hoạch để trở thành các điểm trung chuyển lớn của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Bên cạnh đó, 4 trạm bảo dưỡng đặt tại Vạn Ninh, Cam An, Ninh Hải và Phước Hà cũng sẽ góp phần quan trọng vào hoạt động bảo trì, vận hành tuyến đường dài gần 1.541km toàn quốc.

Việc dự án đi qua các trung tâm như Nha Trang, Cam Ranh còn mở ra cơ hội lớn cho phát triển đô thị mới, đặc biệt là các hành lang thương mại và du lịch ven tuyến. Khi tuyến đường sắt tốc độ cao hoàn thành, du khách từ TP.HCM hay Hà Nội sẽ chỉ mất vài giờ để đến biển Nha Trang hay vịnh Vân Phong – một trong những khu vực có tiềm năng du lịch và cảng biển lớn nhất cả nước.

Giới chuyên gia nhận định, Khánh Hòa đang có cơ hội vàng để định hình lại cấu trúc đô thị, từ một đô thị biển hướng đến trở thành trung tâm vận tải – hậu cần chiến lược của cả vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây cũng là cú hích để các địa phương như Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm phát triển, vươn mình thành các vệ tinh kinh tế mới trong thời đại giao thông tốc độ cao.

Ngày 1/7/2025 đánh dấu bước chuyển mình lịch sử của dải đất duyên hải khi Khánh Hòa và Ninh Thuận chính thức hợp nhất thành tỉnh Khánh Hòa mới.

Với diện tích 8.555 km², dân số hơn 2,2 triệu người, tỉnh Khánh Hòa mới sau sáp nhập không chỉ mở rộng quy mô hành chính mà còn sở hữu chiều dài bờ biển ấn tượng gần 500km – dài nhất Việt Nam hiện nay.

Chiến Thắng