Chuyển động

Nóng: Sắp có tiêu chí 'chọn mặt gửi vàng' cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Thu Hà 11/07/2025 18:03

Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Tài chính xây tiêu chí chọn nhà đầu tư tư nhân làm đường sắt, đồng thời gửi văn bản lấy ý kiến các đơn vị quan tâm.

Chiều ngày 11/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố các luật mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9. Trong phần giới thiệu về Luật Đường sắt sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh: Trước đây, việc phát triển hệ thống đường sắt chủ yếu dựa vào vốn đầu tư công. Tuy nhiên, với các quy định mới được bổ sung, luật đã mở rộng cánh cửa để thu hút sự tham gia của khối tư nhân, tạo thêm nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông đường sắt.

duong-sat-cao-toc-1-.png
Hiện Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng các tiêu chí đánh giá, đồng thời gửi văn bản đến những đơn vị quan tâm nhằm lấy ý kiến phản hồi

Tuy vậy, để tránh tình trạng buông lỏng quản lý, luật vẫn giữ những điều khoản chặt chẽ nhằm đảm bảo vai trò điều phối, kiểm soát của Nhà nước với lĩnh vực đặc thù này.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Luật Đường sắt 2025 đã có thêm các quy định quan trọng liên quan đến việc quản lý chi phí đầu tư. Đây là nội dung nhằm tháo gỡ các khó khăn trong việc xác định chi phí xây dựng, đặc biệt là với các công trình, thiết bị chuyên ngành mà Việt Nam chưa có hoặc chưa đầy đủ định mức, đơn giá phù hợp, nhất là trong các dự án đường sắt điện khí hóa.

Một nội dung nổi bật khác là việc luật dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường và tái định cư – những khâu thường gây chậm trễ, làm đội vốn dự án. Luật mới đưa ra giải pháp nhằm rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả thực hiện các khâu này.

Song song với việc tháo gỡ cơ chế, Luật Đường sắt 2025 cũng đưa vào các quy định chặt chẽ về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, điều này nhằm đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả trong quản lý đầu tư, tránh thất thoát nguồn lực công.

Trả lời câu hỏi của báo chí về khả năng thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án đường sắt, Thứ trưởng Bộ Xây dựng xác nhận đã có một số nhà đầu tư bày tỏ mong muốn tham gia. Hiện Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng các tiêu chí đánh giá, đồng thời gửi văn bản đến những đơn vị quan tâm nhằm lấy ý kiến phản hồi.

Trên cơ sở các tiêu chí đã xây dựng, hai bộ sẽ cùng xem xét, đánh giá và trình cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, một Hội đồng tư vấn Nhà nước cũng sẽ được thành lập để thẩm định các đề xuất từ phía nhà đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết thêm, tính đến thời điểm này, chưa có đề xuất nào vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật hiện hành.

Riêng với Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Quốc hội đã thông qua chủ trương cho phép thực hiện không chỉ bằng vốn đầu tư công mà còn có thể triển khai theo phương thức đối tác công – tư (PPP) hoặc đầu tư kinh doanh thông qua Luật Đầu tư. Hiện Bộ Xây dựng đang nghiên cứu triển khai quy định này và chưa ghi nhận vướng mắc đáng kể nào.

Tư nhân nhập cuộc

Đến thời điểm hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân đề xuất tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, trong đó nổi bật có:

VinSpeed: Công ty VinSpeed (thuộc Vingroup) đề xuất đầu tư toàn bộ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam theo hình thức tư nhân, với tổng vốn khoảng 61,35 tỷ USD (chưa gồm chi phí GPMB). Doanh nghiệp cam kết góp 20% vốn, phần còn lại xin Nhà nước cho vay không lãi suất trong 35 năm.

VinSpeed đề nghị Nhà nước đảm trách giải phóng mặt bằng, dự kiến thi công trong 5 năm và khai thác trong 99 năm. Giá vé ở mức 60–75% giá vé máy bay, và doanh nghiệp mong muốn được phát triển các khu đô thị TOD dọc tuyến.

THACO: THACO đưa ra đề xuất tương tự về tỷ lệ vốn (20%), nhưng phần còn lại sẽ huy động từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, kèm đề nghị Chính phủ bảo lãnh khoản vay quốc tế và hỗ trợ lãi suất trong 30 năm.

Thời gian thi công chia làm hai giai đoạn trong 7 năm, thời hạn khai thác 70 năm. THACO cũng muốn tham gia quy hoạch đô thị TOD nhằm tăng hiệu quả đầu tư và phát triển địa phương.

Mekolor – Great USA: Đề xuất 100 tỷ USD gây tranh cãi: Liên danh Mekolor (Việt Nam) – Great USA (Mỹ) tuyên bố tự thu xếp toàn bộ 100 tỷ USD, không cần vốn hay bảo lãnh từ Nhà nước, trong đó 10 tỷ USD dành cho GPMB và tái định cư.

Doanh nghiệp đề xuất miễn phí vận hành 6 tháng đầu, cam kết thi công trong 5 năm và khai thác trong 49 năm, với công nghệ quốc tế và 95% lao động là người Việt. Đồng thời theo đuổi mô hình TOD và mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Tuy nhiên, đề xuất này gây nghi ngại do Mekolor chỉ có vốn điều lệ 1 tỷ đồng, chưa công bố chi tiết tài liệu xác nhận tài chính, khiến dư luận nghi ngờ tính khả thi.

Thăng Long Quốc gia & TRV muốn tham gia khai thác: Hai doanh nghiệp trong nước là Công ty CP Xây dựng Thăng Long Quốc gia và Công ty CP Vận tải Đường sắt Việt Nam (TRV) cũng đề xuất được tham gia ở giai đoạn khai thác và bảo trì hạ tầng, nhưng chưa công bố cụ thể về vốn.

Thu Hà