Mô hình mới

Chỉ bắt đầu với 300 con gà và một ý tưởng khác biệt, nông dân Lào Cai tạo nên một "sân chơi" đặc biệt, giờ bán đắt hàng, lãi cứ thế tăng vù vù

Ngọc Linh 11/07/2025 19:00

Nhiều nông dân ở Lào Cai đã phát triển mô hình mới lạ này, nhờ đó nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi theo hướng bền vững.

Từ nhóm hộ nông dân nhỏ đến hợp tác xã quy mô hàng chục nghìn con gà

Tại xã Trấn Yên, tỉnh Lào Cai (thuộc xã Minh Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cũ), Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp MQ được biết đến như một hình mẫu về phát triển chăn nuôi hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ bền vững. Ngay tại lối vào HTX, một phiến đá khắc dòng chữ “Chicken garden” nghĩa là “khu vườn gà” như thay lời giới thiệu cho mô hình sinh thái độc đáo này.

Khác với hình ảnh chuồng trại kín cổng cao tường quen thuộc, HTX MQ mang lại cảm giác như bước vào một khu nông trại sinh thái với đường bê tông phẳng lỳ, rừng cây xanh mướt và những dãy chuồng trại hiện đại nằm rải rác khắp các sườn đồi. Mỗi trại quy mô từ 4.000 – 5.000 con gà, vận hành theo quy trình khép kín và thống nhất từ khâu con giống đến tiêu thụ sản phẩm.

Anh Nguyễn Tiến Sơn – Giám đốc HTX chia sẻ: “Năm 2011, tôi bắt đầu nuôi 300 con gà, sau 2 lứa thấy hiệu quả mới mở rộng lên 500 con. Thời điểm đó, như vậy đã là quy mô lớn ở địa phương.”

Anh Nguyễn Tiến Sơn, Giám đốc HTX trong trang trại nuôi gà Mông
Anh Nguyễn Tiến Sơn, Giám đốc HTX trong trang trại nuôi gà Mông

Những năm sau đó, nhiều hộ nông dân thấy hiệu quả bắt đầu làm theo, hình thành nhóm liên kết cùng nuôi, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, giống và tiêu thụ. Cuối năm 2017, nhóm hộ thống nhất thành lập HTX với 10 thành viên, đến nay đã mở rộng liên kết với hơn 20 hộ dân. HTX đứng ra xây dựng quy trình kỹ thuật thống nhất, tổ chức tiêm vaccine, cung cấp thức ăn, lựa chọn giống và bao tiêu toàn bộ đầu ra cho các hộ thành viên.

Môi trường chăn nuôi xanh – sạch – khép kín

Thành công của HTX MQ không chỉ đến từ quy mô mà còn nằm ở cách làm khác biệt. Khu vực chăn nuôi được bố trí biệt lập với khu dân cư, mỗi trại nằm cách nhau bởi những quả đồi, có điều kiện lý tưởng về độ cao, nguồn nước và lưu thông không khí. Đây là một lợi thế quan trọng giúp nông dân địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh và đảm bảo an toàn sinh học.

HTX cũng chú trọng thay đổi thói quen chăn nuôi truyền thống. Thay vì nuôi nhốt khép kín, mỗi trại đều có khu sân chơi rộng rãi cho gà vận động. Xung quanh trại được trồng nhiều cây xanh tạo môi trường gần gũi tự nhiên, giúp đàn gà khỏe mạnh, chất lượng thịt ngon hơn và giảm thiểu rủi ro dịch bệnh.

Về giống, HTX sử dụng hai loại chính là gà Mía số 1 và gà Mông. Gà Mía được nhập từ Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco (thuộc Tập đoàn Dabaco Việt Nam) và Công ty Giống gia cầm Tây Bắc. Gà Mông được cung cấp bởi Trung tâm Thực nghiệm Bảo tồn giống vật nuôi (Viện Chăn nuôi). “Con giống quyết định đến 50% hiệu quả chăn nuôi nên HTX chỉ chọn đối tác uy tín,” anh Sơn khẳng định.

Hiện mỗi tháng, HTX ký kết cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn gà thịt
Hiện mỗi tháng, HTX ký kết cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn gà thịt

Mỗi tháng, HTX MQ xuất bán ra thị trường khoảng 60.000 – 65.000 con gà Mía (tương đương 120 tấn) và 30.000 con gà Mông (khoảng 50 tấn). Giá tiêu thụ dao động từ 80.000 – 90.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận trung bình từ 30.000 – 40.000 đồng mỗi con cho nông dân tham gia chuỗi liên kết.

Hướng đến chế biến sâu và phát triển thương hiệu

HTX MQ không chỉ dừng lại ở sản xuất mà đang hướng tới mở rộng quy mô, đồng thời xây dựng chuỗi giá trị khép kín. Anh Sơn cho biết thời gian tới sẽ triển khai thí điểm mô hình giết mổ – chế biến – tiêu thụ sản phẩm thịt gà, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, kiểm soát chất lượng và xây dựng thương hiệu gà địa phương.

Bên cạnh đó, HTX cũng tiếp tục kết nối với các hộ dân có quỹ đất phù hợp, mở rộng mạng lưới chăn nuôi theo hướng tập trung, liên kết chặt chẽ giữa các khâu sản xuất – cung ứng – tiêu thụ. Việc bảo đảm tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn sinh học cũng sẽ là yếu tố then chốt để sản phẩm gà MQ có thể tiếp cận các thị trường khó tính hơn trong tương lai.

Từ mô hình khởi đầu của một nhóm hộ nhỏ đến một hợp tác xã lớn mạnh, câu chuyện của HTX MQ là minh chứng rõ ràng cho thấy nông dân không chỉ là người sản xuất, mà còn là chủ thể đổi mới, sáng tạo và tổ chức hiệu quả trong chuỗi sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Ngọc Linh