Trung Quốc sắp vận hành một "con quái vật" mới trên hệ thống đường sắt cao tốc
Trung Quốc đang mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới và đây là mẫu tàu đại diện cho tham vọng này.
CR450 – niềm tự hào mới của ngành đường sắt cao tốc Trung Quốc
Tại Hội nghị Đường sắt cao tốc thế giới lần thứ 12 vừa diễn ra ở Bắc Kinh, nguyên mẫu tàu CR450 của Trung Quốc đã trở thành tâm điểm của sự kiện khi được giới thiệu là tàu cao tốc thương mại nhanh nhất thế giới trong tương lai gần. Mẫu tàu này đang được kỳ vọng sẽ định hình lại chuẩn tốc độ và công nghệ của ngành đường sắt cao tốc toàn cầu.

CR450 gồm hai biến thể: CR450-AF và CR450-BF, hiện đang đặt tại Trung tâm thử nghiệm đường sắt quốc gia ở thủ đô Bắc Kinh. Các kỹ sư Trung Quốc cho biết con tàu sẽ phải trải qua quá trình đánh giá vận hành kéo dài 1 năm và 600.000 km thử nghiệm trên các tuyến chưa khai thác, trước khi chính thức được đưa vào sử dụng.
Ông Trương Ba – Viện trưởng Viện Cơ khí và Đầu máy xe lửa, khẳng định các chỉ số quan trọng như tốc độ, tiêu thụ năng lượng, độ ồn và quãng đường phanh đều đã đạt yêu cầu trong giai đoạn thử nghiệm. “Chúng tôi sẽ tiếp tục quy trình đánh giá vào tháng 8 trên các tuyến chuyên dụng. Sau đó sẽ tiến hành thủ tục đăng ký số loại và xin cấp phép vận hành chính thức,” ông Trương cho biết.
Bà Nhiếp Dĩnh – Giám đốc thiết kế tàu CR450AF, nhấn mạnh sự an toàn là yếu tố cốt lõi ngay từ giai đoạn thiết kế: “Toàn bộ hệ thống CR450 phải đạt cấp độ an toàn không thấp hơn tàu Phục Hưng (Fuxing) 350 km/h – vốn là tàu cao tốc chủ lực của Trung Quốc hiện nay”.
Tốc độ 400 km/h: Tàu cao tốc thương mại nhanh nhất thế giới
Theo thông tin được công bố tại hội nghị, CR450 đã đạt tốc độ thử nghiệm 450 km/h và có thể vận hành ổn định ở tốc độ 400 km/h – đưa nó trở thành tàu cao tốc vận hành thương mại nhanh nhất thế giới, vượt qua các đối thủ như N700S (Nhật Bản) hay TGV M (Pháp).
Bên cạnh tốc độ, các chỉ số kỹ thuật khác của CR450 cũng được tối ưu hóa: hiệu suất phanh cải thiện 20%, thời gian phản hồi giảm xuống chỉ còn 1,7 giây, trọng lượng nhẹ hơn 10% giúp giảm đáng kể tiêu thụ năng lượng. Không gian nội thất cũng được mở rộng, đi kèm khả năng giảm tiếng ồn cao hơn so với thế hệ trước.
Các chuyên gia cho rằng, nếu được triển khai đúng tiến độ, CR450 sẽ không chỉ là biểu tượng công nghệ mà còn là công cụ để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trong lĩnh vực xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc – một trong những lĩnh vực mà nước này đang dẫn đầu thế giới.
Tính đến nay, Trung Quốc đã xây dựng được mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới với tổng chiều dài lên tới 48.000 km, chiếm hơn 70% tổng mạng lưới toàn cầu. Mạng lưới này phủ kín 97% các thành phố có dân số trên 500.000 người và vẫn đang tiếp tục mở rộng.
Từ CR450 đến Maglev: Tham vọng vượt cả giới hạn của đường sắt
Song song với CR450, Trung Quốc cũng công bố nguyên mẫu tàu đệm từ siêu dẫn (maglev) có thể vận hành ở tốc độ tối đa 600 km/h. Mẫu tàu maglev này được trưng bày cùng CR450 tại Hội nghị và thu hút nhiều sự chú ý nhờ thiết kế khí động học tiên tiến và công nghệ đệm từ hiện đại.

Ông Vu Thanh Tùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu đệm từ, nhận định: “Tàu đệm từ siêu dẫn có khả năng tăng tốc vượt trội, giúp lấp khoảng trống tốc độ giữa đường sắt cao tốc và hàng không. Đây sẽ là phương án giao thông lý tưởng cho các chặng di chuyển trung bình, dưới 1.000 km”.
Tham vọng phát triển đường sắt cao tốc của Trung Quốc còn thể hiện ở mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt 180.000 km đường sắt, trong đó 60.000 km là đường sắt cao tốc. Với nền tảng hiện tại và những đột phá như CR450 hay maglev, Trung Quốc đang từng bước xây dựng một hệ thống vận tải đẳng cấp thế giới, có khả năng cạnh tranh trực tiếp với hàng không nội địa và quốc tế.
Dù phải trải qua hàng loạt thử nghiệm, đánh giá kỹ thuật và phê duyệt, CR450 được kỳ vọng sẽ là biểu tượng tiếp theo của ngành đường sắt cao tốc toàn cầu – nơi Trung Quốc không chỉ là người dẫn đầu về chiều dài mạng lưới mà còn định hình cả tiêu chuẩn công nghệ mới.