Nhịp đập thị trường

VN-Index sắp tìm lại ánh hào quang, một chỉ số khác thậm chí còn vượt đỉnh lịch sử

Nhật Linh 11/07/2025 16:16

Chỉ số của rổ cổ phiếu quan trọng vừa chính thức vượt đỉnh lịch sử sau gần 3 năm, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của nhóm vốn hóa lớn trong bối cảnh kỳ vọng nâng hạng và dòng vốn ngoại đang tăng tốc.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ khi chỉ số VN30 – đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn – chính thức vượt qua mốc cao nhất từng được thiết lập vào cuối năm 2021. Trong phiên 11/7/2025, VN30 tăng gần 25 điểm, chốt phiên tại 1.594,01 điểm – mức đóng cửa cao nhất từ trước đến nay, đồng thời có thời điểm vượt ngưỡng 1.600 điểm trong phiên.

vn30.png
VN30 chính thức vượt qua mốc cao nhất từng được thiết lập vào cuối năm 2021

Trong khi đó, chỉ số VN-Index vẫn còn cách đỉnh lịch sử khoảng 70 điểm, tương đương gần 5%. Sự chênh lệch ngày càng rõ rệt này phần lớn đến từ việc dòng tiền đang ưu tiên các cổ phiếu trụ cột, đẩy mạnh đà tăng của VN30 so với chỉ số tổng thể. Riêng phiên 11/7, mức tăng của VN-Index chỉ bằng một nửa so với VN30.

Dòng tiền ngoại bùng nổ, ưu tiên cổ phiếu lớn

Một trong những động lực quan trọng thúc đẩy VN30 lên đỉnh là dòng tiền từ khối ngoại quay trở lại mạnh mẽ. Từ đầu tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 10.000 tỷ đồng trên sàn HoSE, với giá trị giao dịch mỗi phiên có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đặc điểm dòng tiền lớn thường tìm đến các cổ phiếu có vốn hóa cao và còn room, góp phần đẩy VN30 đi lên vượt bậc.

VN Index và VN30 Index
Diễn biến VN30 Index trong 3 tháng trở lại đây

Ông Nguyễn Thanh Lâm – Giám đốc Phòng Nghiên cứu Phân tích, Khối Khách hàng Cá nhân của Maybank Investment Bank (MSVN) – nhận định, một phần lực mua đến từ các chứng chỉ P-Notes, vốn có xu hướng giao dịch quyết liệt và tập trung vào cổ phiếu bluechip. Ngoài ra, kỳ vọng về việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng trong thời gian tới cũng là chất xúc tác thu hút dòng vốn quốc tế đổ vào sớm.

Theo quan sát thị trường, các dòng tiền ngoại thường dịch chuyển sớm trước thời điểm nâng hạng chính thức khoảng 4–5 tháng. Trong bối cảnh hiện tại, kỳ vọng về một quyết định tích cực từ FTSE trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 đang khiến nhiều nhà đầu tư tranh thủ "đón sóng".

Khuyến nghị tăng tỷ trọng, dự báo lạc quan từ JP Morgan

Trong báo cáo chiến lược khu vực ASEAN công bố gần đây, JP Morgan đưa ra nhiều nhận định tích cực về thị trường Việt Nam. Theo tổ chức này, khả năng FTSE nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi là cao hơn bao giờ hết, nhờ vào hai yếu tố mang tính nền tảng: việc loại bỏ yêu cầu ký quỹ 100% cho nhà đầu tư nước ngoài từ tháng 11/2024 và hệ thống giao dịch KRX dự kiến vận hành trong năm nay.

JP Morgan ước tính việc nâng hạng có thể kéo theo dòng vốn thụ động lên tới hơn 500 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời góp phần cải thiện tâm lý giới đầu tư.

Đáng chú ý, JP Morgan cũng nâng đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam lên mức "tăng tỷ trọng" (overweight), cùng với Singapore và Philippines. Trong khi đó, họ giữ quan điểm "trung lập" với Indonesia, Malaysia và "giảm tỷ trọng" với Thái Lan. Mức điểm mục tiêu cho VN-Index được tổ chức này đưa ra là 1.500 điểm cho kịch bản cơ sở và 1.600 điểm trong kịch bản lạc quan vào cuối năm nay.

4 yếu tố nâng đỡ triển vọng thị trường

Theo JP Morgan, thị trường Việt Nam đang có lợi thế từ bốn yếu tố cốt lõi:

Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đạt được thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, trong thời gian Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày. Đây được xem là cú hích quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu và niềm tin thị trường.

Thứ hai, Việt Nam có dư địa tài khóa mạnh mẽ để hỗ trợ tăng trưởng, trong khi nhiều nền kinh tế trong khu vực đang bị giới hạn. GDP nửa đầu năm 2025 tăng trưởng tới 7,52% – mức cao nhất trong hơn một thập kỷ – nhờ giải ngân đầu tư công tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ ba, đồng USD suy yếu tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách tiền tệ trong nước, trong khi tỷ trọng đầu tư của khối ngoại tại Việt Nam vẫn còn thấp. Dòng vốn quốc tế có thể tiếp tục quay lại mạnh mẽ khi các thỏa thuận thương mại Việt – Mỹ được cụ thể hóa.

Cuối cùng, dù triển vọng dài hạn lạc quan, JP Morgan vẫn lưu ý rằng lợi nhuận doanh nghiệp chưa thể phục hồi ngay. Tác động tích cực từ chính sách tiền tệ và đầu tư công cần thời gian để thẩm thấu, trong khi nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu – đặc biệt tại Mỹ vẫn là yếu tố cần theo dõi sát sao.

Chiến lược ưu tiên cổ phiếu lớn

Trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn – những mã đang hưởng lợi trực tiếp từ dòng tiền ngoại và kỳ vọng nâng hạng. Bên cạnh đó, chiến lược đầu tư chọn lọc, tập trung vào doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững và hoạt động ổn định trong điều kiện vĩ mô biến động sẽ giúp nhà đầu tư kiểm soát rủi ro và đón đầu cơ hội trong nửa cuối năm 2025.

Nhật Linh