Tỷ giá Yên Nhật hôm nay 11/7: Đồng Yên tìm điểm hỗ trợ giữa bất ổn thương mại toàn cầu
Tỷ giá Yên Nhật biến động mạnh trong nước, trong khi quốc tế chờ BoJ ra quyết định giữa lúc áp lực thương mại và lạm phát vẫn đè nặng lên đồng tiền này.
Tỷ giá Yên Nhật tại các ngân hàng trong nước
Ngày 11/07/2025, tỷ giá Yên Nhật (JPY) tại các ngân hàng tiếp tục duy trì biên độ dao động rộng, phản ánh sự biến động mạnh mẽ trên thị trường ngoại hối quốc tế. Mức chênh lệch giữa các ngân hàng ghi nhận lên đến hơn 14 đồng/JPY ở cả chiều mua vào và bán ra.

Ở chiều mua tiền mặt, Techcombank tiếp tục đứng cuối bảng với mức 171,79 đồng/JPY, trong khi VRB vươn lên dẫn đầu với giá 175,97 đồng/JPY. Về phía chuyển khoản, SCB niêm yết giá thấp nhất ở mức 173,70 đồng, ngược lại, PGBank chiếm vị trí cao nhất với 176,65 đồng/JPY.
Ở chiều bán ra, OCB là ngân hàng có mức thấp nhất thị trường: 180,73 đồng/JPY tiền mặt và 180,23 đồng/JPY chuyển khoản. Ở chiều ngược lại, LPBank vẫn giữ ngôi đầu bảng bán tiền mặt với mức giá 186,01 đồng/JPY, trong khi NCB dẫn đầu mảng bán chuyển khoản với giá 185,05 đồng.
Tỷ giá Yên Nhật trên thị trường quốc tế
Đồng Yên Nhật (JPY) đang lặng lẽ củng cố lại vị thế sau đợt suy yếu đầu tháng 7, cố gắng tìm điểm hỗ trợ giữa bối cảnh chịu áp lực từ những căng thẳng thương mại, theo báo cáo từ hai chiến lược gia ngoại hối hàng đầu của Scotiabank, ông Shaun Osborne và ông Eric Theoret.
Theo đánh giá của Scotiabank, các thông báo áp thuế 25% từ Mỹ, có hiệu lực từ ngày 1/8, đã khiến đồng Yên suy yếu khi thị trường phản ứng tiêu cực trước rủi ro thương mại leo thang. Tuy nhiên, vẫn có khả năng xuất hiện một thỏa thuận vào phút chót, đặc biệt là trong giai đoạn sau cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản ngày 20/7, mang lại hy vọng cho đồng Yên phục hồi.
Những diễn biến về thương mại hiện đang là yếu tố then chốt trong chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Sự bất ổn kéo dài đã buộc BoJ tạm dừng lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, bất chấp lạm phát vượt mục tiêu trong nhiều tháng. Với phiên họp chính sách tiếp theo diễn ra vào ngày 31/7, thị trường hiện đang nghiêng về khả năng BoJ giữ nguyên lãi suất, chờ đợi thêm tín hiệu rõ ràng hơn từ môi trường kinh tế và thương mại toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, đồng Yên Nhật tiếp tục thu hút sự chú ý của giới đầu tư quốc tế, đặc biệt là khi kỳ vọng về điều chỉnh chính sách từ BoJ vẫn đang bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài như cuộc chiến thuế quan và lạm phát nhập khẩu.