Doanh nghiệp sở hữu ZaloPay bất ngờ tăng tốc: Cổ phiếu “đắt đỏ” nhất sàn, tham vọng AI lộ diện
Công ty CP VNG đang trở thành tâm điểm chú ý khi cổ phiếu VNZ bất ngờ bứt phá gần 30% chỉ trong một tuần.
Từ đầu tháng 7 đến nay, cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG đã tăng gần 30%, chốt phiên ngày 10/7 ở mức 436.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong hơn 10 tháng trở lại đây và tiếp tục giữ ngôi vị “đắt đỏ” nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Với mức giá này, vốn hóa của VNZ tạm tính đạt khoảng 12.500 tỷ đồng (gần nửa tỷ USD). Tuy nhiên, thanh khoản vẫn rất thấp, chỉ khoảng 4 tỷ đồng/phiên do cơ cấu cổ đông cô đặc.
Diễn biến tăng giá của VNZ cũng được hỗ trợ bởi thị trường chung: chỉ số VN-Index đã vượt mốc 1.445 điểm, duy trì đà hồi phục mạnh.
Cùng thời điểm, VNG vừa tổ chức thành công cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 với nhiều kế hoạch quan trọng. Doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 10.773 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với năm trước.
Dù dự kiến lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ vẫn âm 561 tỷ đồng, mức lỗ này đã giảm gần một nửa so với kết quả năm 2024. Trong năm liền trước, VNG ghi nhận doanh thu tăng hơn 22% so với 2023, đồng thời khoản lỗ sau thuế cũng giảm gần 49%, cho thấy tình hình tài chính đang dần cải thiện dù chưa thể thoát lỗ hoàn toàn.
Một điểm nhấn đáng chú ý là cổ đông đã thông qua việc đổi tên công ty thành Công ty CP Tập đoàn VNG (VNG Group). Theo ông Lê Hồng Minh – nhà sáng lập kiêm Chủ tịch VNG, bước đi này nhằm phản ánh đúng mô hình vận hành tập đoàn, tách bạch giữa khối vận hành và hoạt động kinh doanh. Trước đây, nhiều mảng kinh doanh trực thuộc công ty mẹ, nhưng hiện nay đã được cơ cấu lại thành các công ty thành viên để quản trị hiệu quả hơn. Công ty mẹ chỉ giữ lại các sản phẩm thử nghiệm, sẽ chuyển giao khi đạt kết quả như kỳ vọng.
Về các mảng kinh doanh cốt lõi, ông Minh cho biết các lĩnh vực vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Nền tảng thanh toán ZaloPay tiếp tục giảm lỗ qua từng năm và đặt mục tiêu đạt điểm hòa vốn vào cuối năm 2026. Trong mảng trò chơi điện tử, dù thị trường game năm qua gặp nhiều khó khăn, VNG vẫn lên kế hoạch phát triển các sản phẩm chất lượng cao, có vòng đời dài và mở rộng hoạt động phát hành tại Đông Nam Á, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong và Mỹ. Lãnh đạo công ty cũng chia sẻ tham vọng phát triển một IP game riêng, dù thừa nhận đây là hướng đi đầy thách thức.
Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI) được VNG xác định là trụ cột chiến lược. Tập đoàn đã đưa vào vận hành VNG GreenNode – hạ tầng AI Cloud quy mô lớn đầu tiên tại Đông Nam Á và bước đầu mang về doanh thu thương mại chỉ sau 6 tháng. Trong thời gian tới, công ty dự kiến sẽ tích hợp AI xuyên suốt quy trình phát triển – vận hành sản phẩm và đẩy mạnh ứng dụng trong toàn bộ khối kinh doanh.
Bên cạnh đó, VNG cũng báo cáo đã hoàn tất phát hành ESOP năm 2024 với 640.974 cổ phiếu được phân bổ cho 430 nhân sự, qua đó nâng vốn điều lệ lên 293,7 tỷ đồng. Kế hoạch ESOP năm 2025 tiếp tục được thông qua, dự kiến phát hành thêm 418.807 cổ phiếu (tương đương 1,43% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) với giá 30.000 đồng/cổ phiếu và hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm. Số tiền thu về khoảng 12,6 tỷ đồng sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mở rộng thêm một số ngành nghề kinh doanh mới như dịch vụ cổng thông tin, môi giới bảo hiểm, ghi âm và xuất bản âm nhạc để tận dụng tiềm lực sẵn có.
Nhờ chuỗi tăng giá mạnh cùng chiến lược phát triển rõ ràng, VNZ đang thu hút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư, đặc biệt là với triển vọng từ AI và thị trường game quốc tế. Tuy nhiên, mức giá cao nhất sàn và thanh khoản hạn chế cũng đồng nghĩa nhà đầu tư cần thận trọng, bởi tiềm năng và rủi ro luôn song hành.