Đằng sau ‘nước cờ sớm’ của Hòa Phát trong cuộc chơi đường sắt cao tốc Bắc-Nam
Dự án thép ray của Hòa Phát cho thấy tham vọng về một bước chuẩn bị công nghệ và năng lực sản xuất không chỉ dành riêng cho đường sắt cao tốc Bắc-Nam.
Vì sao “không thể chờ”?
Trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn chờ đợi tín hiệu chính sách, Tập đoàn Hòa Phát đã có một quyết định lặng lẽ nhưng chiến lược: đầu tư sản xuất thép ray cho đường sắt cao tốc mà không chờ “cơ chế thần tốc”. Một bước đi mạo hiểm nếu nhìn ở góc độ tài chính ngắn hạn, nhưng lại mang tầm nhìn dài hạn về một ngành công nghiệp nền tảng mà Việt Nam đang thiếu hụt.

Tổng Giám đốc Hòa Phát Nguyễn Việt Thắng từng chia sẻ: “Nếu hôm nay không bắt đầu làm, đến khi có đơn hàng chúng tôi sẽ không thể kịp giao. Thời gian xây dựng nhà máy và đưa vào vận hành ít nhất cần 20–22 tháng. Không thể chờ thêm”.
Tư duy này đến từ việc Hòa Phát hiểu rất rõ thông điệp của Chính phủ về quyết tâm phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Nếu cứ chờ đủ cơ chế, đủ đơn hàng rồi mới khởi động, thì có lẽ cơ hội sẽ trôi qua, không chỉ với Hòa Phát, mà với cả năng lực sản xuất trong nước.
Một “cú đấm thép” đúng thế mạnh
Khác với những doanh nghiệp tham vọng trở thành tổng thầu hay đầu tư trực tiếp vào dự án hạ tầng đường sắt như Vingroup hay Thaco…, Hòa Phát giữ một chiến lược tập trung: chỉ sản xuất cái mình mạnh nhất chính là thép.
Trả lời câu hỏi về khả năng đầu tư trực tiếp vào dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long khẳng định: “Ai cũng có thể làm dự án, nhưng quan trọng là phải đảm bảo tiến độ, chất lượng. Với Hòa Phát, chúng tôi chỉ tham gia cung cấp thép, vì chúng tôi mạnh ở đâu thì sẽ làm ở đó”.
Dự án thép ray của Hòa Phát được coi là viên gạch đầu tiên để xây dựng hệ sinh thái công nghiệp đường sắt hiện đại tại Việt Nam. Từ đây có thể phát triển các ngành liên quan như tà vẹt bê tông, hệ thống cơ khí hỗ trợ, và hơn hết, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu trong các dự án quốc gia có quy mô hàng tỷ USD.
Hòa Phát hiện đang hợp tác với SMS Group (Đức) – tập đoàn kỹ thuật công nghiệp hàng đầu thế giới để xây dựng nhà máy luyện và cán thép ray tại Khu liên hợp Dung Quất 2, Quảng Ngãi. Nhà máy có công suất dự kiến 700.000 tấn/năm, không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa mà còn hướng tới xuất khẩu.
Tại lễ ký kết hợp tác, ông Trần Đình Long cho biết: “Chúng tôi chọn SMS vì có tới 90% các nhà sản xuất thép ray cho tàu cao tốc và đường sắt đô thị trên thế giới đang sử dụng công nghệ của họ”.
Về phía SMS, ông Bernhard Steenken – Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi khẳng định: “Đây không chỉ là một dự án sản xuất thép thông thường, mà là nền tảng công nghệ và năng lực sản xuất mà Hòa Phát có thể duy trì, phát triển trong nhiều thập kỷ”.
Ngay khi dự án được công bố, nhiều ý kiến băn khoăn khả năng tiêu thụ sản phẩm sẽ bị chi phối bởi tiến độ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, vốn vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Ông Trần Đình Long cho biết Hòa Phát đã lường trước những rủi ro này và khẳng định: “Chúng tôi không làm gì phi lợi ích, phi kinh tế cả. Hệ thống đường sắt Việt Nam sẽ phát triển hàng nghìn km, nhưng ngoài ra, sản phẩm thép hình sẽ phục vụ các dự án điện gió, điện hạt nhân Ninh Thuận, dầu khí, chế tạo cơ khí và quốc phòng. Đây không phải dự án đặt tất cả trứng vào một giỏ”.
Không đặt cược vào lợi nhuận trước mắt
Dự án thép ray rõ ràng là một khoản đầu tư lớn, nhưng không nằm trong bài toán lợi nhuận ngắn hạn. Với một sản phẩm đặc thù, có yêu cầu kỹ thuật cao như thép ray, hiệu quả kinh tế chỉ có thể đến khi ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam được thúc đẩy đồng bộ và toàn diện.
Lãnh đạo tập đoàn chia sẻ: “Chúng tôi không nghĩ tới việc lỗ, nhưng cũng không đặt trọng tâm vào lợi nhuận trước mắt. Đây là một khoản đầu tư chiến lược”.
Tư duy này phản ánh rõ sự chuyển mình của Hòa Phát – từ một “đế chế thép xây dựng” trở thành nhà sản xuất vật liệu công nghiệp nền tảng, phục vụ các mục tiêu phát triển dài hạn của đất nước.
Nhà máy thép ray của Hòa Phát dự kiến sẽ đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của châu Âu (EN), Nhật Bản (JIS) và Trung Quốc (TB/T), với hệ thống kiểm tra nội bộ bằng công nghệ siêu âm, laser hiện đại. Đây là những yêu cầu bắt buộc để được chấp nhận trong các dự án cao tốc.
Đặc biệt, sản phẩm sẽ được sản xuất bằng công nghệ luyện đúc liên tục từ phôi nguyên sinh – yếu tố giúp thép ray có độ bền cao, phù hợp với tốc độ khai thác lên tới 320 km/h như mục tiêu của tuyến Bắc – Nam.
Với vốn điều lệ đã tăng lên hơn 76.000 tỷ đồng (tính đến giữa năm 2025), Hòa Phát không gặp áp lực quá lớn về huy động vốn. Cơ cấu tài chính cân bằng giữa vốn chủ sở hữu và nợ vay trung – dài hạn giúp tập đoàn duy trì sức khỏe tài chính ổn định, đủ lực cho các dự án công nghệ cao.
Ngoài ra, từ năm 2019, Hòa Phát đã đầu tư mạnh cho số hóa và tự động hóa dây chuyền. Hệ thống sản xuất thép giờ đây được quản lý theo thời gian thực, giảm chi phí, tăng chất lượng – tạo lợi thế cạnh tranh ngay cả khi thị trường trong nước vẫn còn manh nha hình thành. Những điều này sẽ là động lực giúp "ông lớn" ngành thép bước vào dự án mang ý nghĩa lịch sử của đất nước một cách chủ động nhất.